Kế hoạch 573/KH-UBND năm 2018 thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 573/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2018
Ngày có hiệu lực 20/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 573/KH-UBND

An Giang, ngày 20 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN THỎA THUẬN PARIS VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Công văn số 199/TTg-QHQT ngày 08/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai kết quả Hội nghị COP22; Công văn số 4126/BTNMT- BĐKH ngày 11/8/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang, với các nội dung như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN TỈNH AN GIANG

An Giang là tỉnh đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long với 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, là nơi các dòng chính sông Mê Công bắt đầu chảy vào Việt Nam. An Giang có 2 vùng sinh thái đặc trưng, đó là: vùng đồi núi và vùng đồng bằng với địa hình thấp, đồng thời được xác định là vùng mà sông và nước ngọt chiếm ưu thế. Cũng chính vì đặc điểm đó cộng với thực trạng dân số đông và tập quán sinh sống lâu đời theo sông, kênh, rạch làm cho tỉnh An Giang trở nên rất nhạy cảm với những biến đổi thất thường của thời tiết và khí hậu, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông lốc, mưa lớn trái mùa kéo dài; lũ lụt; hạn hán; xâm nhập mặn; sạt lở bờ sông,…Các tác động này đã và đang gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Tổng thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2016 do thiên tai (lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, giông lốc, mưa bão,...) là 1.463,86 tỷ đồng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đặc biệt ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của người dân, nhất là vùng đồi núi thường xuyên đối diện với tình trạng hạn hán và khan hiếm nước ngọt; vùng đầu nguồn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi rủi ro thiên tai, lũ lụt, sạt lở bờ sông; và vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện vệ sinh môi trường còn thấp kém, khả năng tiếp cận nước sạch còn khó khăn, hạ tầng giao thông không thuận lợi. Những tác động này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của tỉnh, gây áp lực lớn cho ngân sách địa phương, việc đảm bảo an sinh xã hội trở nên khó khăn hơn.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu;

- Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động Ứng phó với Biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 26/8/2013 của Tỉnh Ủy về Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới;

- Quyết định số 2359/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính;

- Kế hoạch hành động số 655/KH-UBND ngày 06/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng, giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 09/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020;

- Kế hoạch số 567/KH-UBND ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành khung mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020;

- Công văn số 199/TTg-QHQT ngày 8/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 22 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP 22);

- Công văn số 4126/BTNMT-BĐKH ngày 11/8/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Các nội dung của Kế hoạch Thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang được xây dựng trên các quan điểm sau đây:

a) Tuân thủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; kế thừa các kết quả đạt được và tiếp tục triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh có cập nhật, điều chỉnh, bổ sung theo chính sách cấp quốc gia và theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

b) Tranh thủ sự đầu tư, huy động nguồn lực của toàn xã hội, hỗ trợ của các tổ chức để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

c) Giảm phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội để đóng góp vào cam kết chung của quốc gia trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (viết tắt là NDC) về mức giảm phát thải khí nhà kính, trong đó nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng xã hội là chủ yếu, nguồn lực nhà nước đóng vai trò xúc tác;

d) Việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch này phải mang tính đồng bộ gắn với các mục tiêu trung và dài hạn về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững, các-bon thấp, có sức chống chịu cao.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Xác định và triển khai các hoạt động, giải pháp phù hợp để đến năm 2030 hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, ngành và người dân về việc thực hiện Kế hoạch Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được phê duyệt tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

[...]