Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 565/KH-UBND năm 2024 phát triển mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 565/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2024
Ngày có hiệu lực 18/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Ngọc Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 565/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRẠM QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CHUYÊN DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG TỪ NAY ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thuỷ văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Văn bản số 1277/TB-TCKTTV ngày 11/10/2022 của Tổng cục Khí tượng Thủy văn thông báo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện các quy định pháp luật về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV) chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng của tỉnh nhằm tăng cường nguồn thông tin, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản khí tượng thuỷ văn; đảm bảo các yêu cầu phục vụ cho công tác dự báo số, dự báo điểm, nâng cao hơn nữa chất lượng các thông tin dự báo, cảnh báo KTTV; đặc biệt là các thông tin về dự báo, cảnh báo các loại hình thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ,.. một cách cụ thể và chi tiết hơn.

b) Đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực phòng tránh, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành ứng phó kịp thời trước những nguy cơ, rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn tính mạng, đời sống cho Nhân dân, cộng đồng và tài sản của Nhà nước.

2. Yêu cầu

a) Xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng của tỉnh phải có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng hiện đại, tự động hoá cao, tích hợp đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Xác định rõ lộ trình, tiến độ thực hiện kế hoạch phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

c) Xây dựng và phát triển mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng của tỉnh phải đảm bảo được tính đại diện cao, phản ánh khách quan điều kiện tự nhiên của khu vực đặt trạm. Tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục, cung cấp dữ liệu quan trắc một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống; không trùng lắp, chồng chéo với hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia.

d) Xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng phải tiến hành xây dựng đồng thời hệ thống thu thập, lưu trữ dữ liệu quan trắc KTTV của tỉnh một cách đồng bộ, có hệ thống và có độ tin cậy cao; từng bước hoàn thiện mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng của tỉnh theo hướng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo thu nhận thông tin, dữ liệu quan trắc KTTV một cách thường xuyên, liên tục; chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý, khai thác, kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, thẩm định, thẩm tra tài liệu, cung cấp, phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng của tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Khả năng đáp ứng thông tin, dữ liệu KTTV của mạng lưới trạm quan trắc KTTV đối với yêu cầu, mục đích riêng của tỉnh

a) Hiện trạng, hệ thống trạm quan trắc KTTV trên địa bàn tỉnh có 107 trạm, bao gồm:

- Mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 49 trạm; trong đó, có 02 trạm khí tượng bề mặt cơ bản và 47 trạm KTTV chuyên dùng (phổ thông);

- Mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng do tỉnh đầu tư, quản lý trên địa bàn hiện có 58 trạm KTTV chuyên dùng (phổ thông).

(Chi tiết tại Phụ lục I)

b) Hệ thống trạm quan trắc KTTV trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu chỉ quan trắc về lượng mưa và chưa đảm bảo chỉ tiêu quan trắc đầy đủ các yếu tố KTTV làm cơ sở đầu vào phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm (đặc biệt là cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất…); nguồn thông tin, dữ liệu quan trắc chỉ đáp ứng cơ bản cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV trên toàn khu vực, lưu vực rộng lớn mà chưa đảm bảo cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV một cách chi tiết, cụ thể đến phạm vi cấp huyện, xã; nhất là những khu vực thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như: lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... vì vậy, công tác dự báo, cảnh báo, xác định cấp độ rủi ro thiên tai KTTV đến từng vị trí, từng khu vực dự báo, cảnh báo một cách chi tiết, cụ thể còn nhiều hạn chế; chưa đảm bảo phục vụ thiết thực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch phòng, chống, ứng phó trước nguy cơ xảy ra thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

2. Nhiệm vụ phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh

a) Giai đoạn đến năm 2025:

- Cải tạo, nâng cấp hiện đại hoá hệ thống mạng lưới trạm qua trắc KTTV chuyên dùng của tỉnh; từng bước hình thành hệ thống cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu KTTV; bổ sung các chỉ tiêu quan trắc đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ quan trắc KTTV; hoàn thiện phương pháp quan trắc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc KTTV tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm còn trống số liệu, vùng chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu; dự kiến đầu tư lắp đặt mới 12 trạm (gồm: 05 trạm khí tượng và 07 trạm thuỷ văn) để quan trắc và truyền tin. (Chi tiết tại Phụ lục II)

b) Giai đoạn từ năm 2025 - 2030

- Tiếp tục phát triển mạng lưới trạm tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm trên địa bàn tỉnh để đảm bảo các yêu cầu phục vụ dự báo số, dự báo điểm; dự kiến đầu tư lắp đặt mới 12 trạm (gồm: 01 trạm khí tượng và 11 trạm thủy văn) để quan trắc và truyền tin. (Chi tiết tại Phụ lục III)

- Nâng cấp hệ thống hạ tầng thông tin và cở sở dữ liệu tài nguyên môi trường nói chung, KTTV nói riêng; đảm bảo thu nhận, lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin, dữ liệu KTTV một cách thường xuyên, liên tục, đồng bộ, có hệ thống và có độ tin cậy cao.

3. Giải pháp thực hiện

a) Vị trí lắp đặt các trạm được điều tra, khảo sát cụ thể, đảm bảo khoảng cách phù hợp, không trùng lặp với mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia, mạng lưới trạm quan trắc KTTV chuyên dùng của tỉnh đã có và các công trình phải quan trắc KTTV trên địa bàn tỉnh (theo Danh mục công trình và chủ công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng Ban hành kèm theo Quyết định số 2233/QQĐ-UBND ngày 28/11/2022 của UBND tỉnh). Ưu tiên những khu vực mạng lưới quan trắc thưa thớt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và vị trí quan trắc có tính đại diện cao.

[...]