Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 344/KH-UBND năm 2021 về phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 344/KH-UBND
Ngày ban hành 22/06/2021
Ngày có hiệu lực 22/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hoàng Nghĩa Hiếu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 344/KH-UBND

Nghệ An, ngày 22 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Điều 12, Luật Khí tượng thủy văn và quy định hiện hành của pháp luật, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

a. Xây dựng được mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh, đồng bộ với mạng lưới quan trắc của quốc gia, tiên tiến, hoạt động ổn định, lâu dài, phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh.

b. Tăng cường nguồn dữ liệu về khí tượng thủy văn phục vụ cho nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin khí tượng thủy văn của các Sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin kịp thời cho công tác phòng chống thiên tai, dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

c. Đảm bảo thông tin liên lạc, dữ liệu thông suốt giữa các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ và các đơn vị có liên quan.

2. Yêu cầu

a. Xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh đáp ứng được các yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và đồng bộ với mạng lưới quan trắc quốc gia.

b. Lựa chọn vị trí các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh đảm bảo có tính đại diện cao, ưu tiên khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai nguy hiểm. Đảm bảo khoảng cách hợp lý, không trùng lặp hoặc quá gần với hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

c. Định hướng đầu tư trang thiết bị đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm phương pháp quan trắc phù hợp với các quy định của quốc gia.

II. ĐÁNH GIÁ NHU CẦU KHAI THÁC THÔNG TIN DỮ LIỆU KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN VÀ KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG CỦA MẠNG LƯỚI QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh

Nghệ An thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, phía đông giáp biển nên hàng năm thường chịu tác động trực tiếp của bão và thấp nhiệt đới, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, lũ lụt... một số huyện phía tây còn xuất hiện các hiện tượng nguy hiểm như lũ ống, lũ quét. Do đó, cần phải có các bản tin dự báo chi tiết và kịp thời để có phương án phòng chống các hiện tượng thiên tai nguy hiểm, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Số liệu khí tượng thủy văn của tỉnh Nghệ An không chỉ sử dụng cho việc dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai mà còn phục vụ cho việc định hướng, xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, ngắn hạn của tỉnh. Ngoài ra, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn được quan trắc và xử lý kịp thời, cung cấp đúng thời điểm còn phục vụ cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy điện, xây dựng... Đặc biệt là các thời điểm diễn biến của thời tiết, khí hậu có nhiều bất thường như vào mùa mưa lũ, các đợt rét đậm, rét hại, các đợt nắng nóng gay gắt.

Kết quả khảo sát thực tiễn về nhu cầu cung cấp thông tin khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy có hầu hết các Sở, ban, ngành cho biết rất cần cung cấp thông tin khí tượng thủy văn bao gồm các số liệu quan trắc liên quan đến hoạt động quản lý của đơn vị và bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Chính vì vậy, nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

2. Khả năng đáp ứng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của mạng lưới trạm quốc gia trên địa bàn tỉnh

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 09 trạm khí tượng quốc gia, và 11 trạm thủy văn quốc gia. Cụ thể, trạm khí tượng có 02 trạm phía Bắc là trạm Quỳnh Lưu, trạm Tây Hiếu; 03 trạm phía Tây là trạm Quỳ Châu, trạm Tương Dương, trạm Con Cuông; 02 trạm phía Nam là trạm Vinh, trạm Hòn Ngư; và 02 trạm vùng trung du là trạm Quỳ Hợp, trạm Đô Lương. Trạm thủy văn có 11 trạm, bao gồm: trạm Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu), trạm Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), trạm Dừa (huyện Anh Sơn), trạm Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn), trạm Yên Thượng (huyện Thanh Chương), trạm Thạch Giám (huyện Tương Dương), trạm Đô Lương (huyện Đô Lương), trạm Nam Đàn (huyện Nam Đàn), trạm Cửa Hội (thị xã Cửa Lò), trạm Chợ Tràng (huyện Hưng Nguyên) và trạm Con Cuông (huyện Con Cuông). Các trạm thủy văn được đặt tại các vị trí trọng yếu trên các sông chính trong tỉnh.

Mật độ trạm chuẩn hiện nay đối với các trạm đo mưa tại khu vực đồng bằng vào khoảng 10km/trạm, còn đối với khu vực trung du, miền núi nơi chịu ảnh hưởng nhiều của chia cắt địa hình mật độ cần dày hơn, có thể đến 3km/trạm. Trạm khí tượng khoảng cách là 25km/trạm, nơi độ cao địa hình biến thiên lớn cần đặt mật độ trạm dày hơn. Như vậy, số lượng trạm khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn ít, bởi vì Nghệ An có diện tích lớn, mạng lưới sông, hồ, đập phong phú và có các tiểu vùng khí hậu khác nhau khá rõ nét, điển hình là vùng núi phía tây. Số liệu quan trắc tại các trạm cũng chưa phản ánh được diễn biến thời tiết, khí hậu cho các khu vực phụ cận, nhiều khi các giá trị cực đoan không quan trắc được. Với diện tích của tỉnh là 16493km2, mạng lưới trạm quốc gia trên địa bàn tỉnh mới chỉ đảm nhiệm số liệu cho dự báo rộng, mang tính đại diện cho các khu vực trên địa bàn tỉnh, mà chưa thể đáp ứng hết cho việc dự báo điểm, nhất là những khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của thời tiết như tại thành phố, thị trấn, hồ chứa, khu du lịch, vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy, hải sản,... Số liệu quan trắc của các trạm thủy văn trên các sông cũng chỉ đủ phục vụ cho điều tra cơ bản khí tượng thủy văn và dự báo, cảnh báo trên sông Lam và sông Hiếu, không thể đáp ứng cho việc dự báo, cảnh báo ngập lụt trên toàn địa bàn tỉnh.

Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch phát triển, bổ sung thêm mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng là rất cần thiết, cấp bách để đáp ứng nhiệm vụ phòng chống thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng giai đoạn 2021 - 2025

- Lắp đặt 02 trạm khí tượng để quan trắc và truyền tin 05 yếu tố: nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, mưa, gió, áp suất khí quyển.

- Lắp đặt 05 trạm quan trắc thủy văn để quan trắc và truyền tin 02 yếu tố: mực nước và lượng mưa.

- Lắp đặt 01 trạm hải văn để quan trắc và truyền tin 06 yếu tố: gió, nhiệt độ không khí, mưa, độ ẩm, mực nước biển, sóng biển.

- Lắp đặt 11 trạm đo mưa độc lập để quan trắc lượng mưa.

- Vị trí lắp đặt các trạm được điều tra, khảo sát cụ thể, đảm bảo khoảng cách phù hợp, không trùng lặp hoặc gần với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên những khu vực mạng lưới quan trắc thưa thớt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và vị trí quan trắc có tính đại diện cao.

(Thông tin chi tiết về vị trí của các trạm được đính kèm tại Phụ lục I)

[...]