Kế hoạch 5637/KH-UBND về hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 5637/KH-UBND
Ngày ban hành 25/05/2021
Ngày có hiệu lực 25/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5637/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 25 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 184/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 như sau:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Thông tư số 17/2018/TT- BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 51/2020/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.

II. MỤC TIÊU

- 100% nhiệm vụ kế hoạch của tỉnh về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm được thực hiện.

- Số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản sau kiểm tra xếp loại A, B đạt 98,5%.

- Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đạt 75%.

- Xây dựng 02 chuỗi sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2020; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid19 còn tiếp diễn;

2. Tiếp tục triển khai các chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm; tích cực triển khai các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Rà soát, đề xuất loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoàn chỉnh Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030”.

3. Nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

4. Gia tăng số lượng và đa dạng thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ pháp luật an toàn thực phẩm; phối hợp với báo, đài phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm và truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

5. Triển khai diện rộng Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn; chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.

6. Duy trì triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử phạt nghiêm vi phạm. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc thủy sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

7. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm. Phối hợp với các sở, ngành kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong bối cảnh Covid-19.

8. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị nông sản.

(Nội dung chi tiết và phân công tại Phụ lục kèm theo)

[...]