Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1409/KH-UBND năm 2021 về bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1409/KH-UBND
Ngày ban hành 29/07/2021
Ngày có hiệu lực 29/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1409/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới;

Căn cứ kết quả công tác bảo đảm ATTP tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016- 2020 và tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2025, kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả; chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế, quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025

2.1. Nâng cao kiến thức, thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng

Chỉ tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, 100% người quản lý (lãnh đạo UBND các cấp; lãnh đạo các sở chuyên ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm); 95% người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 90% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

2.2. Tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống quản lý ATTP

Chỉ tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 hệ thống quản lý ATTP tại các tuyến được hoàn thiện, ổn định; duy trì hoạt động phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2017 và phòng kiểm nghiệm được Bộ Y tế chỉ định xét nghiệm phục vụ công tác quản lý nhà nước.

2.3. Cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm

Chỉ tiêu: Phấn đấu đến năm 2025:

a) 90% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.

b) 100% cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO,...

c) Sở Y tế:

98% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;

d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;

- 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được giám sát dư lượng các chất độc hại, kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong nuôi trồng;

e) Sở Công thương:

- 98% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận theo phân cấp quản lý được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;

- 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo phân cấp quản lý được tổ chức ký Bản cam kết bảo đảm ATTP;

- 90% chợ được kiểm soát ATTP (không bao gồm chợ tự phát);

f) UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;

- 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được tổ chức ký Bản cam kết bảo đảm ATTP và hàng năm ít nhất 60% cơ sở được kiểm tra sau ký khi cam kết;

[...]