Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2021 về bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 177/KH-UBND
Ngày ban hành 30/07/2021
Ngày có hiệu lực 30/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/KH-UBND

Sơn La, ngày 30 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Kế hoạch số 42-KH/TU ngày 16/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của BCH Đảng bộ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kết luận số 312-KL/TU ngày 22/6/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới. UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch bảo đảm ATTP giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN

1. Mục tiêu chung: Đến năm 2025, cơ bản kiểm soát tình trạng mất ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo chất lượng ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Sơn La trong tình hình mới.

2. Mc tiêu cthể và mt số chỉ tiêu chủ yếu

a) Mục tiêu 1: Tiếp tục tăng cường năng lực, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về công tác đảm bảo ATTP của các ngành tại các tuyến.

Chỉ tiêu đến năm 2025: 100% các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn có đủ cán bộ làm công tác ATTP; khoa xét nghiệm tuyến huyện thực hiện xét nghiệm được các chỉ tiêu vi sinh chủ yếu; tuyến xã, phường, thị trấn thực hiện được các test nhanh. Hình thành hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và tổ chức thực hiện phân tích một số nguy cơ cao về ATTP.

b) Mục tiêu 2: Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Chỉ tiêu đến năm 2025: > 90% chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cập nhật kiến thức về ATTP, >80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP, >95% cán bộ làm công tác quản lý về ATTP, thanh tra ATTP, lực lượng Cảnh sát môi trường liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP được bồi dưỡng và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ.

c) Mục tiêu 3: Tăng cường công tác cải cách hành chính trong việc thẩm định, cấp phép về ATTP và tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; sản xuất thực phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn; bổ sung vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong thực phẩm; xây dựng thương hiệu và phát triển áp dụng hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn như GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000, VietGAP,...

- 100% vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung được kiểm soát và giám sát ATTP.

- Trên 85% sản phẩm thực phẩm có công bố sản phẩm (tự công bố, đăng ký bản công bsản phẩm) lưu thông trên thị trường được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, lấy mẫu giám sát mối nguy về ATTP 1 lần/năm đánh giá các chỉ tiêu an toàn, các chỉ tiêu chất lượng; > 90% thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm tại địa phương theo chỉ tiêu Bộ Y tế giao được lấy mẫu giám sát, kiểm nghiệm đánh giá các chỉ tiêu an toàn.

d) Mục tiêu 4: Cải thiện tình trạng đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Chỉ tiêu đến năm 2025: >85% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế được thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất ít nhất 1 lần/năm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; >95% chợ trong diện quy hoạch (không bao gồm chợ tự phát), siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích được kiểm soát ATTP .

đ) Mục tiêu 5: Phòng chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm cấp tính và các bệnh truyền qua thực phẩm. Hạn chế tối đa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc.

Chỉ tiêu đến năm 2025: Tỷ lệ ca ngộ độc trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận báo cáo /100.000 dân < 7. Tỷ lệ ca mắc ngộ độc thực phẩm được báo cáo /100.000 dân < 60; Giảm 05% số vụ (2 vụ) ngộ độc thực phẩm tập thể từ 30 người mắc/vụ trong năm 2021, so với cùng kỳ giai đoạn 2016-2020; Trên 90% các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La được báo cáo kịp thời, điều tra, khắc phục và xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

e) Mục tiêu 6: Tiếp tục thúc đẩy, duy trì và phát triển các vùng, các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Đồng thời, kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm được thiết lập. Thu hút đầu tư, nâng cấp, phát triển và mở rộng quy mô các nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp, các cơ sở chế biến rau, quả, sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm thực phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,...Hình thành được thị trường nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Chỉ tiêu đến năm 2025: Tiếp tục duy trì ổn định và phát triển mới các vùng, các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Nâng cấp, phát triển, mở rộng quy mô các nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp. Duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản các tỉnh, phấn đấu 100% nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định tại thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo ATTP. Hàng năm, UBND các cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp đưa các chỉ tiêu về ATTP vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức thực hiện. Đồng thời, công tác đảm bảo ATTP là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiêu chí xét công nhận khu dân cư văn hóa.

- Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ATTP. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tham mưu và thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác ATTP.

- Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo về ATTP các cấp kịp thời khi có biến động nhân sự, cơ cấu tổ chức; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo về ATTP ở địa phương; tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành, trong đó ngành y tế làm đầu mối. Đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động giám sát ATTP giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai theo giai đoạn và tình hình thực tế của địa phương. Trong đó chú trọng nghiên cứu, đề xuất ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Lồng ghép hiệu quả các hoạt động bảo đảm ATTP với phòng, chống dịch bệnh và các chương trình khác có liên quan; ưu tiên cho các địa phương thường xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng năm, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ; thực hiện tốt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATTP, đảm bảo đúng quy trình thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân.

[...]