Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2010 về phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 141/KH-UBND
Ngày ban hành 25/11/2010
Ngày có hiệu lực 25/11/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Phòng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 141/KH-UBND

Mỹ Tho, ngày 25 tháng 11 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Căn cứ Quyết định số 5121/QĐ.UBND ngày 29/12/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Để tổ chức tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Phát triển ngành nghề nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với khu vực nông thôn. Thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Việc phát triển ngành nghề, khôi phục làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới của tỉnh nhà không ngừng được đẩy mạnh.

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 đạt khá cao và đã góp phần quan trọng tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, gia tăng tích lũy cho nền kinh tế, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa khu vực nông nghiệp nông thôn. Ngành nghề nông thôn đóng góp 15,8% trong tổng tăng trưởng GDP cho khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân trên lao động (theo giá hiện hành) là 19,2 triệu đồng/năm (2008), tốc độ tăng trưởng bình quân 3,9%/năm.

Cơ cấu ngành nghề nông thôn của tỉnh nhìn chung có sự chuyển dịch tích cực, đặc biệt cơ cấu trong nội bộ các nhóm ngành nghề có bước thay đổi đáng kể theo hướng phát huy các lợi thế của tỉnh.

Là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều lợi thế về phát triển nhóm ngành nghề chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản. Nhóm ngành chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao và không ngừng tăng lên trong tổng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn của tỉnh, từ 61,8% (2006) lên 62,1% (2009). Kế đến là nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ ở nông thôn, tỷ trọng trong tổng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn từ 15,6% (2006) giảm xuống còn 15,3% (2009). Nhóm ngành thủ công mỹ nghệ phát triển khá ổn định, chiếm tỷ trọng 8,3% (2006), 8,7% (2009). Cùng với sự phát triển của tỉnh, nhóm ngành xây dựng, vận tải liên xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nông thôn phát triển tương đối ổn định, tỷ trọng trong giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn từ 9,6% (2006), 9,4% (2009). Nhóm ngành về đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất cho các lĩnh vực ngành nghề nông thôn của tỉnh ngày càng được chú trọng hơn, nhưng tỷ trọng trong giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn giảm từ 3,1% (2006) xuống còn 2,8% (2009).

Giá trị sản xuất của các làng nghề hàng năm đều tăng đạt 127,3 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 5,2%/năm cả giai đoạn 2006 - 2010.

Về cơ cấu thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể là hai thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất (92,3%) trong giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn toàn tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân tăng khá nhanh (17,8%). Kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng thấp (7,7%) GDP ngành nghề nông thôn nhưng hoạt động khá hiệu quả và ổn định.

Sự phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông thôn giai đoạn (2006 - 2009) là 6,9%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của ngành nghề nông thôn (12%) trong cùng giai đoạn. Điều này dẫn đến tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn so kinh tế nông thôn có xu hướng tăng nhanh. Ngoài ra, sự phát triển của ngành nghề nông thôn chủ yếu là tập trung ở khu vực II, dẫn đến kinh tế nông thôn dần dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI

- Xuất phát điểm của ngành nghề nông thôn tỉnh còn thấp dẫn đến tích lũy và đầu tư thấp, gây mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đầu tư.

- Tuy cơ cấu ngành nghề nông thôn tỉnh chuyển dịch theo hướng khai thác các lợi thế của tỉnh, nhưng trong nội bộ một số nhóm ngành nghề vẫn còn bộc lộ yếu kém chưa bền vững. Tỷ trọng nhóm ngành chế biến, bảo quản nông lâm thuỷ sản tuy cao trong tổng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung vào khâu sơ chế, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.

- Quy mô và trình độ sản xuất nhỏ, thiếu vốn, lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chất lượng lao động còn thấp, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp và kém sức cạnh tranh.

- Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nghề nông thôn;

- Các địa phương thiếu vốn để thực hiện, đồng thời chưa có kế hoạch phát triển cụ thể nên lúng túng trong việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn.

- Các chính sách ưu đãi tuy được ban hành nhiều, nhưng còn dàn trải, các chính sách về tài chính vẫn còn phức tạp, chính sách thuế chưa ổn định và thiếu thông thoáng cũng đã ảnh hưởng đến phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động ngành nghề nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

- Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển ngành nghề nông thôn; gắn phát triển ngành nghề nông thôn với bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu cụ thể

[...]