Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 577/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 577/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/04/2013
Ngày có hiệu lực 11/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 577/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 19/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội khóa XIII về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường mạnh mẽ công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm môi trường mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2015

- Cơ bản hoàn thiện các công cụ chính sách, pháp luật cho công tác quản lý và BVMT làng nghề, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho làng nghề truyền thống.

- Phân công, phân cấp cụ thể về trách nhiệm quản lý làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương để triển khai, phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

- Quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông tin về số lượng và hiện trạng sản xuất, hiện trạng môi trường các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống; đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng môi trường tại các làng nghề hiện đang ô nhiễm, công khai danh sách các làng nghề ô nhiễm môi trường.

- Quản lý chặt chẽ việc công nhận làng nghề gắn với các điều kiện về BVMT; hoàn thành việc rà soát lại danh mục làng nghề đã được công nhận, bảo đảm 100% làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về BVMT; hoàn thành việc phân loại các hộ, cơ sở sản xuất (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất) trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc, chế biến thủy sản và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong các làng nghề chưa được công nhận được thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả hoặc lập kế hoạch di dời vào khu, cụm công nghiệp làng nghề hay chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

- Hoàn thành việc đánh giá, rà soát sự tuân thủ các quy định về BVMT đối với các khu, cụm công nghiệp làng nghề để đề xuất nâng cấp, điều chỉnh và bổ sung các khu, cụm công nghiệp làng nghề.

- Không hình thành mới các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại khu vực dân cư nông thôn.

- Xây dựng, triển khai áp dụng thử nghiệm một số mô hình làng nghề thủ công truyền thống điển hình, sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và làng nghề phục vụ du lịch; một số khu, cụm công nghiệp làng nghề điển hình đảm bảo các điều kiện về BVMT để nhân rộng ra các địa phương có loại hình làng nghề tương tự.

- Xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Danh mục 47 làng nghề này do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố.

b) Mục tiêu đến năm 2020

- Công khai và cập nhật thường xuyên danh sách, thông tin về thực trạng các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống trên phạm vi toàn quốc.

- Quản lý chặt chẽ công tác BVMT tại các làng nghề, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

- 100% các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định hoặc lập kế hoạch và di dời vào khu, cụm công nghiệp làng nghề hay chấm dứt hoạt động.

- Di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề.

[...]