Kế hoạch 555/KH-UBND năm 2017 về rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2018 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 555/KH-UBND
Ngày ban hành 02/10/2017
Ngày có hiệu lực 02/10/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 555/KH-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, TÍCH HỢP CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2017 - 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2018.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2018 trên địa bàn tỉnh An Giang, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. 100% các Sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, đề xuất các nội dung chính sách cần tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo, không dàn trải, đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu, nội dung kế hoạch đề ra.

2. Rà soát, đề xuất cơ chế tích hợp chính sách bảo đảm phù hợp với định hướng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng hợp, đánh giá kết quả rà soát, tích hợp chính sách, báo cáo Chính phủ và Quốc hội trong năm 2018 theo quy định của Nghị quyết 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

II. NỘI DUNG

1. Tiến hành rà soát chính sách thuộc các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động - việc làm, hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cán bộ, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về thông tin và truyền thông và chính sách giảm nghèo nói chung.

2. Kiến nghị tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ chính sách theo hướng:

- Xác định rõ vai trò chủ trì và các bên tham gia, có cơ chế phối kết hợp cụ thể ngay từ khâu lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các chính sách được tích hợp và lồng ghép nguồn lực.

- Giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.

- Tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hỗ trợ tạo sinh kế và phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã, ấp đặc biệt khó khăn.

- Cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân, cộng đồng tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.

3. Các sở, ngành, địa phương đề xuất cơ chế, giải pháp tác động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng tiếp cận đa chiều; cơ chế, giải pháp lồng ghép nguồn lực thực hiện 21 chương trình có mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Triển khai thực hiện rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung… chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và giảm nghèo.

- Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về giảm nghèo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo.

2. Sở Giáo dục và đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung… chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung… chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất.

4. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung… chính sách cán bộ, công chức, viên chức…

5. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Ban dân tộc và các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung (nếu có) … chính sách hỗ trợ tiền điện chính sách giảm nghèo có liên quan.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đề xuất phương án cân đối, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung… chính sách hỗ trợ về thông tin và truyền thông và các Chương trình giảm nghèo có liên quan.

8. Ban Dân tộc: Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung chính sách đối với đồng bào dân tộc tộc thiểu số và các Chương trình giảm nghèo có liên quan.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện: Tiếp tục triển khai các cơ chế, giải pháp thực hiện lồng ghép hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại địa phương; rà soát, đề xuất chính sách, giải pháp tác động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội theo hướng tiếp cận đa chiều.

[...]