Kế hoạch 552/KH-UBND năm 2020 về bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre 03 năm 2020-2022

Số hiệu 552/KH-UBND
Ngày ban hành 10/02/2020
Ngày có hiệu lực 10/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Hữu Lập
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 552/KH-UBND

Bến Tre, ngày 10 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BẾN TRE 03 NĂM 2020 - 2022

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;

Thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường;

Thực hiện Chương trình hành động số 29/CTr-TU ngày 23 tháng 9 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 19 tháng 5 năm 2016 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Thực hiện Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định mức chi sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

Thực hiện Công văn số 2926/BTNMT-KHTC ngày 20 tháng 6 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2020 - 2022 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường 03 năm 2020 - 2022 như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2019, GIAI ĐOẠN 03 NĂM 2017 - 2019

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre năm 2019 và giai đoạn 03 năm 2017 - 2019

1.1. Công tác triển khai chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường của tỉnh

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch1 triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính Phủ trên địa bàn tỉnh.

Triển khai Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các chương trình, chỉ thị của Tỉnh ủy chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020, nhân rộng các mô hình chăn nuôi kiểm soát ô nhiễm môi trường2; ban hành 03 văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường3. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 nghị quyết về bảo vệ môi trường4.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Ủy ban nhân dân tỉnh phát động phong trào và ban hành Kế hoạch hành động giải quyết rác thải nhựa tỉnh Bến Tre5.

1.2. Công tác thẩm định, kiểm soát môi trường

Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 52 dự án, 18 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, sửa đổi bổ sung 41 quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và 10 đề án bảo vệ môi trường chi tiết; thẩm định và phê duyệt 02 phương án cải tạo phục hồi môi trường. Công tác hậu báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường đối với 25 dự án; quản lý báo cáo giám sát môi định kỳ đối với 123 cơ sở sản xuất (dự án).

Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường 146 cơ sở (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường); quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất 01 cơ sở (Công ty Cổ phần Đông Hải); xét duyệt phương án xử lý, tiêu hủy chất thải hàng hóa cho 01 doanh nghiệp; cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại 46 cơ sở; tổ chức đào tạo và cấp 214 giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ môi trường trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; thu phí bảo vệ môi trường đi với nước thải công nghiệp cấp tỉnh ước khoảng 3 tỷ đồng (năm 2017 - 2019).

Quản lý, kết nối quan trắc môi trường tự động đối với 06 dự án có nguồn xả nước thải từ trên 1.000m3/ngày đêm; công tác quan trắc môi trường được thực hiện định kỳ 4 lần/ năm để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, tuy nhiên năm 2019 chỉ thực hiện 1 lần/ năm do bị đọng, chậm về công tác triển khai. Hiện nay công tác quan trắc môi trường đang được tăng cường về nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện và đầu tư trang thiết bị quan trắc, hệ thống quan trắc môi trường, độ mặn tự động trên các tuyến sông chính của tỉnh để cảnh báo xâm nhập mặn (dự án AMD).

Công tác thẩm định và quản lý các nguồn thải được thực hiện khá chặt chẽ, kiểm soát, ngăn chặn được các nguồn thải lớn có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từng bước nâng cao chất lượng, từ chối triển khai các các dự án nguy cơ gây ô nhiễm, không có biện pháp bảo vệ môi trường khả thi.

1.3. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý); công tác xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường

Trên địa bàn tỉnh lượng rác thu gom trung bình 234 tấn/ngày, trong đó Tp Bến Tre và các khu vực lân cận khoảng 180 tấn/ngày, mỗi huyện thu gom khoảng 10 - 40 tấn/ngày (năm 2018). Tỉnh có 08 bãi chôn lấp rác tập trung với tổng diện tích là 13,14 ha, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp phun chế phẩm sinh học, chôn lấp và kết hợp với đốt. Một số địa phương (xã) còn xảy ra tình trạng phát sinh bãi chứa rác thải tự phát, không theo quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhà máy chế biến rác Bến Tre (công suất 200 tấn/ngày) xây dựng trên diện tích 3,6 ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, việc chậm tiến độ do từ phía chủ đầu tư, gây ra ô nhiễm do lưu trữ bãi rác tạm, gây bức xúc dư luận, đặc biệt là phản ứng người dân xung quanh Nhà máy. Tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm mô hình thu gom xử lý rác thải vùng nông thôn tỉnh Bến Tre6; năm 2019 triển khai đầu tư lò đốt rác hợp vệ sinh công suất 25 tấn rác/ngày ở huyện Mỏ Cày Bắc với hình thức tư nhân đầu tư, nhà nước chi trả tiền xử lý rác từ nguồn thu phí rác thải và một phần ngân sách hỗ trợ.

Công tác đầu tư chưa đáp ứng được bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (năm 2018 ngân sách sự nghiệp môi trường chi trả hỗ trợ khoảng 66 tỷ đồng/ năm cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên tỉnh); rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển rác không đảm bảo kỹ thuật gây mất vệ sinh; hầu hết các bãi chôn lấp rác đều quá tải, gây ô nhiễm; không còn quỹ đất để tiếp tục quy hoạch chôn lấp rác với lượng rác phát sinh ngày một tăng; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xử lý rác thải chưa hiệu quả.

Trước thực trạng các bãi rác ô nhiễm nghiêm trọng, đây thuộc lĩnh vực công ích nên từ ngân sách nhà nước (Trung ương 50%) đầu tư giải quyết ô nhiễm 04 bãi rác tại các huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri và đóng cửa bãi rác Phú Hưng. Kết quả đã khắc phục được ô nhiễm, đặc biệt là đóng của bãi rác Phú Hưng, tuy nhiên bãi rác các huyện sau khi khắc phục ô nhiễm lại tiếp tục tiếp nhận rác hàng ngày và xử lý không đảm bảo dẫn đến môi trường bị ô nhiễm trở lại.

Hiện nay với lưu lượng xả thải rất lớn vào môi trường nước, lưu vực sông từ phát triển sản xuất của khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản ven sông, chăn nuôi nông hộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Tỉnh đã tăng cường quản lý, kiểm soát và thực hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có xả thải gây ô nhiễm môi trường nước. Qua kết quả quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước mặt trên các sông chính của tỉnh vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên một số kênh rạch như kênh Lộ Ngang, kênh Huyện thuộc huyện Châu Thành, các kênh rạch trong nội ô Tp Bến Tre, thị trấn các huyện đang dần bị ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước thải từ sinh hoạt đô thị chưa được thu gom xử lý, nước thải từ các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình.

[...]