Kế hoạch 55/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP năm 2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 55/KH-UBND
Ngày ban hành 30/05/2018
Ngày có hiệu lực 30/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2018/NQ-CP NGÀY 15/5/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2018 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 19-2018/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành: Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/5/2016 về thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 28/02/2017 về thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; đồng thời ban hành Chương trình hành động số 06/CT-UBND ngày 28/6/2016 thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được phân công với lộ trình, mục tiêu, cụ thể, rõ ràng. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra tích cực triển khai thực hiện. Môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giữ ở mức trung bình (năm 2017) đạt 61,51 điểm, đứng thứ 5 khu vực miền núi phía Bắc và đứng thứ 39 cả nước). Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều sở, ngành địa phương chưa thực sự quyết liệt và chủ động đưa ra các giải pháp sáng tạo.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Tiếp tục hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

2. Về phát triển doanh nghiệp: Năm 2018 đạt 1.530 doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 2.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

3. Tập trung cải thiện các chỉ số (10 chỉ số) thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để năm 2018 tăng thêm từ 5 - 9 bậc trên bảng xếp hạng PCI của cả nước; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số (06 chỉ số) hiện đang có điểm số dưới điểm trung vị và xếp hạng thấp. Cụ thể: Tiếp cận đất đai tăng thêm ít nhất 0,27 điểm; Chi phí thời gian tăng thêm ít nhất 0,69 điểm; Chi phí không chính thức tăng thêm ít nhất 0,72 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng thêm ít nhất 0,22 điểm; Tính năng động của chính quyền tỉnh tăng thêm ít nhất 0,3 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: 0,47 điểm.

Phấn đấu giai đoạn 2018 - 2020: Chỉ số PCI của tỉnh trong danh sách 30 tỉnh, thành phố top đầu trên bảng xếp hạng PCI của cả nước; cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ chung

Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả đạt được trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của sở, ngành, địa phương. Cụ thể là:

a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CPKế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh, hoàn thành trước ngày 15 tháng 6 năm 2018, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân và tiến độ thực hiện đối với từng chỉ tiêu, chỉ số được phân công (Có phụ lục phân công nhiệm vụ kèm theo).

b) Nghiên cứu triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số thành phần PCI, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội).

- Nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh và an toàn, vệ sinh môi trường các khu, địa điểm du lịch.

- Phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

- Thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chỉ số cạnh tranh cấp sở, cấp huyện.

c) Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.

d) Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ quản lý nhà nước; thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thanh toán, chi trả theo quy định của nhà nước; đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.

đ) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra doanh nghiệp; đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật.

2. Nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hướng dẫn lập các mẫu giấy tờ, thủ tục đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, thường xuyên được cập nhật để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ, thủ tục tránh phải làm lại nhiều lần.

- Tiếp tục thực hiện kết hợp công bố thông tin doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

[...]