Kế hoạch 18/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 18/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2017
Ngày có hiệu lực 28/02/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 28 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2017/NQ-CP NGÀY 06/02/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai và cụ thể những nội dung Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2017, định hướng đến năm 2020 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thông thoáng.

2. Yêu cầu

Việc triển khai Kế hoạch hành động phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh; tạo động lực thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến hết năm 2017, vị trí xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương tốp giữa thứ hạng “khá”. Giai đoạn 2018-2020, vị trí xếp hạng của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương tốp đầu thứ hạng "Khá". Tiếp tục xếp hạng ở vị trí thứ 2 trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

- Nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; 100% TTHC phù hợp được đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phấn đấu đến năm 2020 mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80%; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cơ quan hành hành chính cấp xã thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phấn đấu đến năm 2020 có 7/7 huyện, thành phố thực hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện quản lý văn bản trên môi trường mạng, đồng thời triển khai áp dụng đến cấp xã; 30% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 4.

- Rút ngắn thời gian nộp thuế dưới 119 giờ/năm và đến năm 2020 không quá 110 giờ/năm; 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 95% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; 100% hồ sơ hoàn thuế được thực hiện bằng hình thức điện tử.

- Rút ngắn thời gian nộp bảo hiểm xã hội dưới 49 giờ; 100% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và cấp sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.

- Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 20%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%.

- Đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày.

- Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cải thiện thứ hạng Tiếp cận điện năng lưới điện trung áp không quá 23 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 24 tháng.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐỊA PHƯƠNG, ĐƠN VỊ

1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ, Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch hành động này; đối với từng chỉ số cụ thể, các đơn vị được giao chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện nhằm tạo chuyển biến mới về môi trường đầu tư, kinh doanh và tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh, hoàn thành xong trước ngày 15/4/2017, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân và tiến độ thực hiện đối với từng chỉ tiêu, chỉ số được phân công.

b) Chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, áp dụng các Chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP trong quản lý điều hành, thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị của địa phương, đơn vị.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ nâng cao Chỉ tiêu thành phần Môi trường kinh doanh; Chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh (Bộ Chỉ số Môi trường kinh doanh). Nâng cao năng lực trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật quốc tế về đầu tư, kinh doanh, chủ động tuân thủ, nâng cao khả năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế nhằm bảo vệ tối đa lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trong nước.

[...]