Kế hoạch 90/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 định hướng đến năm 2020 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 90/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2017
Ngày có hiệu lực 19/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Lê Thị Minh Phụng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 19 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2017/NQ-CP NGÀY 06/02/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 08/8/2016 thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

Qua một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là cải cách thủ tục trên lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai..., theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đã huy động được 05 dự án ODA với tổng mức đầu tư là 182,492 tỷ đồng, đã giải ngân 182,111 tỷ đồng đạt 99,79%; thu hút được 03 dự án (FDI) với tổng vốn đăng ký là 7.753.404 USD. Tập trung thực hiện rà soát danh mục đầu tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên các lĩnh vực như: Khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch; khu, cụm công nghiệp, các công trình giao thông trọng yếu. Thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến góp phần nâng cao chất lượng, sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gắn với thực hiện thủ tục theo quy trình tiêu chuẩn ISO; công khai các thông tin, quy định..., rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh mới còn 1,5 ngày; đăng ký thay đổi giảm còn 01 ngày; thực hiện tốt quy trình thủ tục liên thông đầu tư đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các thủ tục và triển khai thực hiện dự án.

Thực hiện kê khai thuế qua mạng, giảm thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức bình quân 121,5 giờ/năm, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 95%, nộp thuế trên 90% và hoàn thuế cho doanh nghiệp đúng thời gian quy định trên 90%; thực hiện thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm. Đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất, nhập khẩu giảm xuống còn 50% thời gian theo quy định.

Năm 2016, tổng điểm của tỉnh là 60,81 điểm tăng 0,5 điểm so với năm 2015. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 02 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 5/13 các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, trong 03 năm, tỉnh được xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn bất cập đó là: Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với một số trường hợp còn chậm; việc thực hiện các cơ chế chính sách trên một số lĩnh vực còn chậm và chưa đầy đủ; triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại chưa đồng bộ; niêm yết công khai thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đúng quy định; giải quyết thủ tục còn kéo dài so với thời gian quy định. Việc thực hiện chữ ký số, chỉ mới thực hiện thí điểm; kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư phát triển nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ thông tin cũng như cơ sở vật chất chưa đồng bộ nên các doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2017, định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể với những nội dung sau:

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Quán triệt trong các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh về nội dung Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên các mặt:

- Triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về quyền sở hữu tài sản, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các quy định về phá sản, cạnh tranh... Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là tập trung vào hệ thng giao thông, kho tàng, bến bãi và hạ tầng đô thị, ưu tiên phát triển huyện đảo Phú Quốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

- Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề phục vụ nhu cầu lao động cho xã hội; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề; kêu gọi đầu tư xã hội hóa các cơ sở đào tạo ngoài công lập theo quy định.

2. Mục tiêu cụ thể

Trong giai đoạn 2017 - 2018, định hướng đến năm 2020, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính. Bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng tỉnh Kiên Giang có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng; nâng cao điểm số và thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp ở nhóm đầu cả nước.

2.1. Năm 2017 - 2018, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh của tỉnh Kiên Giang nằm trong tốp đầu của cả nước cụ thể là:

- Đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, hải quan, nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc. Thời gian nộp thuế còn không quá 120 giờ/năm và bảo hiểm bắt buộc không quá 48 giờ/năm; thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa là 35 ngày; PCI đứng trong nhóm đầu của cả nước (phấn đấu đứng trong tốp 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước).

- Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu công trình...).

- Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày)

- Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu

- Thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn 24 tháng.

- Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

2.2. Phấn đấu đến năm 2020 chỉ số môi trường kinh doanh của tỉnh Kiên Giang nằm trong tốp đầu của cả nước, cụ thể là:

- Thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới 70 ngày;

- Thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày;

[...]