Kế hoạch 41/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 28/05/2016
Ngày có hiệu lực 28/05/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 28 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2016/NQ-CP NGÀY 28/4/2016 CỦA CHÍNH PHỦ; NGHỊ QUYẾT SỐ 17-NQ/TU NGÀY 27/5/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2016-2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai và cụ thể những nội dung Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thông thoáng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

2. Yêu cầu

Việc triển khai Kế hoạch hành động phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện. Quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung thực hiện Nghị quyết tới các cấp, các ngành và nhân dân.

II. MỤC TIÊU

Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh; tạo động lực thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang từ nay đến năm 2020.

Thu hút đa dạng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.400 doanh nghiệp; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 50.000 - 55.000 tỷ đồng.

Giảm tối thiểu 30% thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Cải thiện về thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 phấn đấu cải thiện các chỉ số thành phần tăng bình quân 0,2 - 0,4 điểm/năm, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có thứ hạng “khá”. Giai đoạn 2018-2020: Cải thiện các chỉ số thành phần PCI tăng bình quân 0,5 điểm/ năm trở lên, nâng dần vị trí xếp hạng của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương tốp đầu của nhóm thứ hạng "Khá".

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó tạo chuyển biến về cách ứng xử, giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm để củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh. Thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, tập trung vào các Chỉ số thành phần điểm thấp như: chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý.

Tập trung triển khai đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và công dân đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước; xây dựng và công bố Chỉ số về đánh giá cải thiện môi trường kinh doanh đối với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện (DCI) để tạo động lực mới trong cải thiện môi trường kinh doanh.

2. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020

Tập trung vào đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng của mô hình "Một cửa và một cửa liên thông", lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nhất là giấy phép liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai; lao động nước ngoài; tiếp tục cải cách về thuế, bảo hiểm xã hội,.. Thực hiện công khai các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2015 công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng Internet, niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Thành lập trung tâm hành chính công tại các huyện, thành phố trên cơ sở nâng cấp từ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (một cửa) tại Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ công chức làm việc tại Bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Triển khai thực hiện đúng và đầy đủ, công khai các quy định về: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…

3. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng

Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động các nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước, vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vốn ODA, đối tác công - tư (PPP), BOT, BT... góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.

Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng quan trọng thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chỉnh trang, nâng cấp đô thị các huyện, thành phố. Nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng tạo điều kiện thuận lợi về đất để các nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án.

4. Đẩy nhanh việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử; thực hiện công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp.

Thực hiện tốt Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử; các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Xây dựng năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp...

[...]