Kế hoạch 5713/KH-UBND năm 2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 về bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre

Số hiệu 5713/KH-UBND
Ngày ban hành 22/09/2021
Ngày có hiệu lực 22/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5713/KH-UBND

Bến Tre, ngày 22 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM 2022 - 2024 VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường;

Thực hiện Công văn số 1933/BTNMT-KHTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng kế hoạch như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2020 VÀ NĂM 2021

I. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BẾN TRE NĂM 2020 VÀ NĂM 2021

1. Công tác triển khai chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, k ế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường của tỉnh

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về giải thưởng môi trường tỉnh Bến Tre1. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết các vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động rác thải nhựa2, Đề án quản lý rác thải3, Đề án Bến Tre xanh4 và các văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường5.

Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và công bố kết quả Báo cáo hiện trạng môi trường 05 năm 2016 - 2020 tỉnh Bến Tre6; triển khai đánh giá và thiết lập lại mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Bến Tre; đánh giá thực trạng rác thải y tế, xây dựng và phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế theo tỉnh Bến Tre.

2. Công tác thẩm định, kiểm soát môi trường

Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 73 dự án (năm 2020 - 2021), sửa đổi bổ sung 11 quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và 04 đề án bảo vệ môi trường chi tiết; thẩm định và phê duyệt 02 phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với khai thác cát lòng sông. Công tác hậu báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường đối với 13 dự án; quản lý báo cáo giám sát môi định kỳ đối với 143 cơ sở sản xuất (dự án).

Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường 07 cơ sở (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường); quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất 02 cơ sở (Công ty Cổ phần Đông Hải, Công ty TNHH MTV sản xuất Minh Đăng); xét duyệt phương án xử lý, tiêu hủy chất thải hàng hóa cho 04 doanh nghiệp; cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại 09 cơ sở; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cấp tỉnh ước khoảng 2,6 tỷ đồng (năm 2020- 2021).

Quản lý, kết nối quan trắc môi trường tự động đối với 06 dự án có nguồn xả nước thải từ trên 1.000m3/ ngày đêm và đang triển khai 05 dự án lắp đặt quan trắc tự động nước thải, khí thải; công tác quan trắc môi trường được thực hiện định kỳ 4 lần/ năm để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường. Hiện nay công tác quan trắc môi trường đang được tăng cường về nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện và đầu tư trang thiết bị quan trắc (dự án với kinh phí 17,8 tỷ đồng). Hoàn thành xây dựng 20 trạm quan trắc môi trường, độ mặn tự động trên các sông chính tỉnh Bến Tre (Dự án AMD), hiện tỉnh đang khắc phục tồn tại (do nhà thầu thiết bị sau khi hoàn thành lắp đặt, thiếu trách nhiệm về bảo hành và chuyển giao công nghệ) để đưa vào vận hành chính thức.

Công tác thẩm định và quản lý các nguồn thải được thực hiện chặt chẽ, kiểm soát, ngăn chặn được các nguồn thải lớn có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện đúng quy trình, nâng cao chất lượng thẩm định, phát hiện chuyển xử lý hành chính các dự án vi phạm pháp luật theo quy định, từ chối cho triển khai các các dự án nguy cơ gây ô nhiễm, không có biện pháp bảo vệ môi trường khả thi.

3. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý); công tác xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường

Trên địa bàn tỉnh lượng rác thu gom trung bình 350 tấn/ngày, trong đó Thành phố Bến Tre và các khu vực lân cận khoảng 180 tấn/ngày, mỗi huyện thu gom khoảng 10 - 40 tấn/ngày (năm 2021). Tính trên toàn địa bàn tỉnh Bến Tre, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị chiếm khoảng 92%, khu vực nông thôn ước đạt khoảng 54%, tỷ lệ người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% (năm 2021).Tỉnh có 08 bãi chôn lấp rác tập trung với tổng diện tích là 13,14 ha, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp phun chế phẩm sinh học, chôn lấp và kết hợp với đốt. Một số địa phương (xã) còn xảy ra tình trạng phát sinh bãi chứa rác thải tự phát, không theo quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhà máy chế biến rác Bến Tre (công suất 200 tấn/ngày) xây dựng trên diện tích 2,3 ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, việc chậm tiến độ do từ phía chủ đầu tư, gây ra ô nhiễm do lưu trữ bãi rác tạm, gây bức xúc dư luận, đặc biệt là phản ứng người dân xung quanh Nhà máy. Năm 2019 triển khai đầu tư lò đốt rác hợp vệ sinh công suất 25 tấn rác/ngày ở huyện Mỏ Cày Bắc với hình thức tư nhân đầu tư nhưng đến nay dự án chưa hoàn thành theo tiến độ .

Công tác đầu tư chưa đáp ứng được bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (ngân sách sự nghiệp môi trường chi trả hỗ trợ khoảng 66 tỷ đồng/năm cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên tỉnh); rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển rác không đảm bảo kỹ thuật gây mất vệ sinh; hầu hết các bãi chôn lấp rác đều quá tải, gây ô nhiễm; không còn quỹ đất để tiếp tục quy hoạch chôn lấp rác với lượng rác phát sinh ngày một tăng; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xử lý rác thải chưa hiệu quả.

Trước thực trạng các bãi rác ô nhiễm nghiêm trọng, đây thuộc lĩnh vực công ích nên từ ngân sách nhà nước (Trung ương 50%) đầu tư giải quyết ô nhiễm 03 bãi rác tại các huyện Bình Đại, Ba Tri và đóng cửa bãi rác Phú Hưng. Kết quả đã khắc phục được ô nhiễm, đặc biệt là đóng cửa bãi rác Phú Hưng, tuy nhiên bãi rác các huyện sau khi khắc phục ô nhiễm lại tiếp tục tiếp nhận rác hàng ngày và xử lý không đảm bảo dẫn đến môi trường bị ô nhiễm trở lại.

Hiện nay với lưu lượng xả thải rất lớn vào môi trường nước, lưu vực sông từ phát triển sản xuất của khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản ven sông, chăn nuôi nông hộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Tỉnh đã tăng cường quản lý, kiểm soát và thực hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có xả thải gây ô nhiễm môi trường nước. Qua kết quả quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước mặt trên các sông chính của tỉnh vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên, Hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Giao Long quá tải dẫn đến một phần nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn, xả thải ảnh hưởng đến môi trường; hiện đang được khắc phục xử lý. Một số khu dân cư, đô thị Thành phố Bến Tre, thị trấn các huyện nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý dẫn đến xả thải một số kênh, rạch bị ô nhiễm.

Tỉnh đã tập trung kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp gây ô nhiễm; phần lớn các cơ sở đã đầu tư xử lý chất thải đảm bảo môi trường; bên cạch vẫn còn một số cơ sở, nhất là sản xuất thạch dừa, sơ chế thủy sản còn hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Chăn nuôi heo quy mô nông hộ được duy trì phát triển trên địa bàn tỉnh Bến Tre, kèm theo một số nông hộ chăn nuôi xử lý chất thải chưa hiệu quả là vấn đề môi trường bức xúc ở nông thôn. Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nghiên cứu các mô hình xử lý để khuyến cáo nhân rộng, giải quyết ô nhiễm. Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã được kiểm soát xả thải chặt chẽ hơn, giảm thiểu tác động đến môi trường nước; nhưng bên cạnh đó nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh xả thải lưu lượng lớn, có một số cơ sở xử lý chất thải chưa hiệu quả gây ảnh hưởng đến môi trường.

Sản xuất than thiêu kết từ nguyên liệu gáo dừa phát triển lâu đời, có khoảng 44 cơ sở tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Giồng Trôm, hầu hết các cơ sở thải khí thải với nồng độ CO rất cao, vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay công nghệ xử lý khí thải than thiêu kết với chi phí tốn kém, hiệu quả không cao. Sở Khoa học và Công nghệ đang chỉ trì nghiên cứu mô hình xử lý khí thải từ sản xuất than thiêu kết. Để giải quyết ô nhiễm Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn phát sinh mới sản xuất than thiêu kết không đảm bảo xử lý môi trường và lộ trình đến hết năm 2021 phải giải quyết dứt điểm các cơ sở sản xuất than thiêu kết còn gây ảnh hưởng đến môi trường7.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thu gom, xử lý chất thải (chất thải y tế) trong khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện trong tình hình dịch dịch bệnh Covid - 19, đảm bảo không để mầm bệnh phát tán theo chất thải ra môi trường.

4. Công tác truyền thông về bảo vệ môi trường

[...]