Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 148/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2021
Ngày có hiệu lực 01/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 01 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH 03 NĂM 2022 - 2024 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thực hiện Công văn số 1933/BTNMT-KHTC ngày 27/4/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020 VÀ NĂM 2021

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương năm 2020 và năm 2021

a) Thực trạng công tác quản lý môi trường

Trong năm 2020 và năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo xây dựng dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường theo quy định; triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong từng năm; chú trọng đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững của tỉnh. Rà soát, nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Nội dung bảo vệ môi trường được thực hiện lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành trong tỉnh để tập trung chỉ đạo kiểm tra, theo dõi, tổ chức thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường đảm bảo tính ổn định và bền vững trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện có hiệu quả; công tác xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp Nhân dân. Trong năm 2020 và năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai tuyên truyền, tổ chức hưởng ứng các hoạt động, sự kiện thường niên về bảo vệ môi trường như: tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động thuộc Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; tuyên truyền biển, đảo; hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới; Giờ Trái đất; Ngày quốc tế Đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới; hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,... bằng các hoạt động cụ thể bảo đảm an toàn, tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 như: Tổ chức chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; treo băng rôn, khẩu hiệu; phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động trên loa phóng thanh. Các cơ quan truyền thông (Báo Lạng Sơn, Báo Tài nguyên và Môi trường thường trú tại Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) cũng đã kịp thời thông tin, phản ánh được nhiều tin, phóng sự về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, điển hình như: trong năm Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát sóng chuyên mục “Vì màu xanh cuộc sống” được 12 chuyên đề; Báo Tài nguyên và Môi trường thường trú tại Lạng Sơn đưa hơn 30 tin bài về bảo vệ môi trường.

Tiếp tục duy trì thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn, chống rác thải nhựa, cụ thể điển hình như: trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 02 đợt phát động xây dựng mô hình “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia của gần 500 người tại các khu dân cư.

Việc thi hành và tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành và các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấp hành. Việc xây dựng hệ thống quan trắc, thực hiện các chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về môi trường được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Số liệu quan trắc môi trường được theo dõi hàng năm để so sánh, phân tích, đánh giá các thành phần môi trường kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Chương trình quan trắc môi trường năm 2020 được thực hiện gồm 02 đợt quan trắc, với tổng số điểm quan trắc năm 2020 là 163 điểm (Quan trắc môi trường không khí ngoài trời, tiếng ồn 40 điểm; quan trắc môi trường nước mặt lục địa 46 điểm; quan trắc môi trường nước dưới đất 31 điểm; quan trắc môi trường đất 26 điểm; quan trắc chất lượng trầm tích (nước ngọt) 20 điểm).

Công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư được thực hiện theo quy trình một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục theo quy định. Trong năm 2020, đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được 14 dự án, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được 74 dự án (06 KHBVMT cấp tỉnh, 68 KHBVMT cấp huyện), phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường được 01 dự án, tổ chức kiểm tra và cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của 01 dự án.

Kết quả triển khai thực hiện kết nối truyền số liệu quan trắc phát thải tự động từ các cơ sở sản xuất: đã ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn các đối tượng phải thực hiện theo quy định khẩn trương thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc phát thải tự động, liên tục theo quy định. Tại Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai lắp đặt hệ thống phần mềm, thiết bị để tiếp nhận số liệu quan trắc tự động liên tục từ các cơ sở truyền về, phối hợp tốt với Trung tâm quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường tổ chức hướng dẫn cho 06 cơ sở (trong đó 04 đơn vị theo quy định và 02 cơ sở có tiềm ẩn nhiều nguy cơ xả thải gây ô nhiễm môi trường) thực hiện lắp đặt, kết nối truyền số liệu quan trắc phát thải tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 cơ sở là: Mỏ than Na Dương - Công ty TNHH MTV than Na Dương, Công ty nhiệt điện Na Dương và Nhà máy xi măng Đồng Bành đã thực hiện lắp đặt xong và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2020 đã tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính được 07 vụ việc, với số tiền phạt là 1.445.375.000đ; phát hiện, đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển động vật hoang dã 04 vụ (thu giữ: 07 cá thể Cầy bạc má; 375 cá thể Chim Khướu, Họa mi; 01 cá thể Cu li).

b) Tình hình triển khai, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản như: Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kế hoạch thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại; Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường; Kế hoạch Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai đề án Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa, giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện công tác xây dựng, lồng ghép ban hành theo thẩm quyền văn bản tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng công tác quan trắc, giám sát môi trường, công tác đánh giá, lập báo cáo hiện trạng môi trường, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

c) Tình hình triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

- Về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật:

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 23/8/2013 của UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có 16 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để 13 cơ sở, đạt tỷ lệ 81,25%.

Theo Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/QĐ-TTg, Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, tỉnh Lạng Sơn có 02 dự án, gồm: dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Dốc Mới 1, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng và dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn bằng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp môi trường, cơ quan chủ trì là Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong năm 2018 đã thực hiện xong việc xử lý ô nhiễm môi trường của các dự án trên.

Về bảo vệ môi trường không khí theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021: tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong đó có nội dung tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí như: Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Kế hoạch số thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;... Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát sinh khí thải ra môi trường nhằm kiểm soát, nâng cao chất lượng môi trường không khí và đã có Báo cáo số 259/BC-UBND ngày 01/7/2020 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng và lắp đặt hoàn thành 05 công trình, trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục, trong đó có: 03 Trạm quan trắc môi trường không khí (gồm: Trạm môi trường không khí tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc; Trạm môi trường không khí tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng và Trạm quan trắc môi trường không khí tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng); 01 Trạm quan trắc môi trường nước tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và 01 Trung tâm điều hành đặt tại Trung tâm Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) để theo dõi đánh giá chất lượng môi trường, kịp thời phát hiện các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết quả quan trắc môi trường hàng năm cho thấy chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, nồng độ bụi và các chất khí độc hại trong môi trường không khí tại các điểm quan trắc có giá trị nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của QCVN 05:2013/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (trung bình 1 giờ).

Đối với công tác quản lý các cơ sở phát sinh khí thải lớn trên địa bàn tỉnh: theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu: trên địa bàn tỉnh có các dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương - Công ty nhiệt điện Na Dương; Nhà máy xi măng Hồng Phong - Công ty cổ phần Xi măng Hồng Phong; Nhà máy xi măng Đồng Bành - Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động. Đến nay, Nhà máy nhiệt điện Na Dương - Công ty nhiệt điện Na Dương đã hoàn thành lắp đặt và đang truyền dữ liệu quan trắc khí thải tự động trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường; Nhà máy xi măng Hồng Phong - Công ty Cổ phần Xi măng Hồng Phong; Nhà máy xi măng Đồng Bành - Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành đang tiếp tục quá trình đầu tư triển khai lắp đặt. Tại Trung tâm Tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, vận hành các trang thiết bị phòng thí nghiệm và trang thiết bị của Trung tâm điều hành, các trạm quan trắc môi trường tự động của Dự án nâng cao năng lực quan trắc, giám sát trên địa bàn tỉnh, quản lý dữ liệu của 11 trạm quan trắc tự động liên tục và 01 trạm điều hành1; các phần mềm được sử dụng để truyền nhận dữ liệu các trạm quan trắc môi trường tự động liên tục về Bộ Tài nguyên và Môi trường (do Trung tâm quan trắc môi trường Miền Bắc chuyển giao) gồm: Envidas Ultimate và Envista ARM, phần mềm Envisoft.

- Về bảo tồn đa dạng sinh học: Thực hiện Luật Đa dạng sinh học và Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, thực hiện công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch và quyết định thực hiện gồm: Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020; Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu rừng đặc dụng Hữu Liên đến năm 2020; Quyết định về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và năng lực quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch hành động đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Chỉ đạo xây dựng các đề án, nhiệm vụ để khảo sát, nghiên cứu, đề xuất địa điểm đầu tư khu du lịch sinh thái kết hợp với nuôi nhốt, phát triển các loài động vật quý hiếm để trả lại rừng. Tuy nhiên, đến nay ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn nên chưa bố trí được kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 đảm bảo đầy đủ, đồng bộ.

- Về công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai: thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 50 Luật Đa dạng sinh học năm 2008, UBND tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng dự án Điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại và đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh nhưng ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn nên chưa phê duyệt dự án và bố trí kinh phí thực hiện.

d) Tình hình triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường của địa phương theo chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ