Kế hoạch 54/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Lạng Sơn năm 2023

Số hiệu 54/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2023
Ngày có hiệu lực 03/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 03 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 394/QĐ-BNN-CLCB ngày 01/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023 (sau đây viết tắt là Kế hoạch), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của chính quyền các cấp về an toàn thực phẩm (ATTP); nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo đảm ATTP, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

2. Yêu cầu

- Triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chú trọng lồng ghép với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị đối với công tác quản lý ATTP, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

- Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch, kịp thời có điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn.

II. MỤC TIÊU

- Tổ chức thẩm định (xếp loại định kỳ), chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân cấp quản lý.

- Diện tích trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm.

- Tỷ lệ sản phẩm chế biến làm sẵn, ăn liền tăng 10%/năm.

- Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, chất bảo quản, hóa chất, kháng sinh, phụ gia, chất cấm trong các loại sản phẩm rau, quả, chè, thịt, các sản phẩm từ thịt, thủy sản tươi, thủy sản khô, ô nhiễm vi sinh trong thịt ở mức dưới 6,0% so với tổng số mẫu giám sát.

- Rà soát, hướng dẫn hỗ trợ, thẩm tra xác nhận 05 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

- 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

- Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP theo đúng quy định của pháp luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về công tác bảo đảm ATTP; nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tầm quan trọng của đảm bảo thực phẩm an toàn đối với sức khỏe, sự phát triển toàn diện con người cả hiện tại và tương lai.

- Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững (VietGAP, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn...); đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ nhân rộng các chuỗi giá trị nông sản và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; từng bước chuyển đổi số, số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; đưa các tiêu chí ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị và xác định bảo đảm ATTP là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện thường xuyên, có sự chỉ đạo, giám sát, cần sự phối hợp của các cấp, các ngành các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo đảm ATTP tại địa bàn và lĩnh vực được giao quản lý. Chủ động giám sát, cảnh báo, kiểm tra phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP nông lâm thủy sản.

2. Hỗ trợ cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận với những chính sách, nguồn vốn hỗ trợ công tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững

- Rà soát hoàn thiện chính sách của tỉnh và thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách Trung ương về quản lý chất lượng ATTP; phổ biến những cơ chế, chính sách pháp luật mới, chương trình, dự án hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững.

- Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức của cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo chuyển biến về hành động, phương thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo đúng quy định.

- Hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận với các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông nghiệp: Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 1029/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030... Bảo đảm thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, tăng cường vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo quy định.

- Ưu tiên ngân sách để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, trọng yếu về đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý ATTP đối với những thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau củ quả..., có nguy cơ cao đang được cảnh báo như: thịt trâu bò nhập khẩu; thủy hải sản; nội tạng động vật; chân gà vịt đông lạnh..., những sản phẩm nổi bật của địa phương như: sản phẩm OCOP, sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn, sản phẩm chủ lực...

3. Phối hợp, huy động các nguồn lực Nhà nước, xã hội trong đảm bảo chất lượng ATTP nông lâm thủy sản

[...]