Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 53/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 53/KH-UBND
Ngày ban hành 05/07/2016
Ngày có hiệu lực 05/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Hải Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 05 tháng 7 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong công tác phòng chống mại dâm; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, can thiệp làm giảm tác hại của tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, giữa ngành và cấp; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm; lồng ghép công tác phòng chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội; tích cực can thiệp làm giảm tác hại của tệ nạn mại dâm; đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

II. MỤC TIÊU

1. 100% số xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức, duy trì các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống mại dâm.

2. Đến năm 2017: 50%, năm 2020: 100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Chương trình Lao động - việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người.

3. 50% các huyện, thành phố triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

4. Kiểm tra, đấu tranh, xử lý 100% các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính và phạm tội liên quan đến mại dâm.

5. 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn được tập huấn nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, kiểm tra, đánh giá trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.

6. Phấn đấu duy trì giữ vững trên 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Chính quyền trong công tác phòng, chống mại dâm:

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện lồng ghép công tác phòng chống mại dâm với phòng chống ma túy, HIV/AIDS và các chính sách an sinh xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

Đưa công tác phòng, chống mại dâm vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng về phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đội ngũ lãnh đạo của Đảng ở các cấp và các Đảng viên tham gia công tác phòng, chống mại dâm; kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ở các cấp.

Tăng cường nguồn lực về con người và kinh phí cho công tác phòng, chống mại dâm, ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống mại dâm, huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân trong công tác này. Tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, giảm tác hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Phát huy vai trò của các ngành thành viên Ban chỉ đạo các cấp về phòng chống mại dâm, nâng cao chất lượng hoạt động của Đội kiểm tra Liên ngành về phòng chống mại dâm (Đội kiểm tra liên ngành 178); thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại các địa bàn trọng điểm, có nhiều tệ nạn mại dâm.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm

Thường xuyên tuyên truyền về phòng chống mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua việc đăng, phát các tin, bài trên báo, đài địa phương; in phát tờ rơi, làm các panô, áp phích; tuyên truyền qua đội ngũ báo cáo viên của tổ chức hội, đoàn thể; tổ chức các hội nghị truyền thông,... tuyên truyền về pháp luật phòng chống mại dâm, nâng cao nhận thức về hệ quả, tác hại của tệ nạn mại dâm, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội về phòng chống mại dâm. Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội “nhất quán quan điểm mại dâm là bất hợp pháp, phòng chống mại dâm dưới mọi hình thức”.

Tăng cường tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn khu vực giáp ranh, phức tạp về tệ nạn mại dâm; khu vực có các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, khu trọ học sinh, sinh viên, người lao động ngoài tỉnh, các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí,…

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn. Phát động quần chúng tham gia báo tin, tố giác cơ sở nghi có hoạt động mại dâm. Theo dõi, phân loại, lập hồ sơ quản lý các đối tượng hoạt động mại dâm theo địa bàn.

Tổ chức các chuyên án đấu tranh với hoạt động mại dâm, đặc biệt với các vụ án liên quan đến mại dâm trẻ em; buôn bán người vì mục đích mại dâm. Thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm hành chính trong phòng, chống mại dâm.

[...]