ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5241/KH-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 28
tháng 6 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
VỀ
VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TẠI CÁC
THỦY VỰC SÔNG, HỒ CHỨA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN NĂM
2030
Thực hiện Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 11/3/2016 của
UBND tỉnh về việc phê duyệt chi tiết Đề án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy
sản tại các thủy vực sông, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và tầm
nhìn năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện một
số nội dung thuộc Đề án như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích:
- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo đảm
cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và sử dụng tài nguyên nước tại các thủy
vực cho nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch, phân bổ tài nguyên nước,
không gây ô nhiễm nguồn nước. Đảm bảo phát triển giao thông đường thủy nội địa
và du lịch. Nhằm tạo ra các nguồn sản phẩm thủy sản mang tính hàng hóa, tạo
công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân sống xung quanh thủy vực
sông, hồ chứa.
- Phát triển thủy sản tại các thủy vực sông, hồ chứa
theo quan điểm bền vững bao gồm phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên kết hợp
với gây nuôi các loài thủy sản có chất lượng cao tạo ra sản phẩm hàng hóa tập
trung, đa dạng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ sản xuất
mới trong việc nuôi thủy đặc sản tại các thủy vực.
- Sản xuất, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi
thủy sản tại các thủy vực, quản lý nghề cá sông, hồ chứa theo các hình thức
doanh nghiệp, nhóm hộ quản lý cộng đồng hoặc liên doanh có sự hướng dẫn của Nhà
nước về giống, công nghệ, vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển nguồn lợi
thủy sản ở trên sông, hồ chứa bền vững nhằm ổn định sản xuất, đời sống của người
dân sống xung quanh các thủy vực.
2. Yêu cầu:
- Thực hiện có hiệu quả Đề án bảo vệ và phát triển
nguồn lợi thủy sản theo đúng quan điểm mục tiêu được phê duyệt.
- Phân công, quy định trách nhiệm cụ thể cho các Sở,
ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác triển
khai, thực hiện Kế hoạch nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các
thủy vực sông, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và tầm nhìn năm
2030.
- Tuyên truyền, phổ biến cho khoảng 3.000 lượt người
về các chính sách, văn bản pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.
- Triển khai, thực hiện điều tra tại 10 thủy vực về
thực trạng các nghề khai thác thủy sản của người dân sống xung quanh các thủy vực;
thả khoảng 1.500.000 con cá giống các loại nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản vào
50 thủy vực trên địa bàn tỉnh.
- Thuần hóa, di nhập, ứng dụng công nghệ sản xuất một
số loài cá có giá trị kinh tế, giống cá bản địa có nguy cơ tuyệt chủng như: Cá
lăng nha, cá chiên lăng, cá mõm trâu, cá trà sóc, cá ngựa xám, cá còm da báo
...
* Triển khai bảo vệ các bãi đẻ của cá, nơi tập
trung các loài thủy sản còn non, nơi cư trú của các loài thủy sản tại một số thủy
vực điển hình trên địa bàn tỉnh: Sông Krông Ana, sông Srêpốk, hồ Lắk, hồ Ea Súp
thượng, hồ Ea Súp hạ, hồ Krông Búk hạ ...
- Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình đồng
quản lý nghề cá hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
- Đến năm 2030, sản lượng thủy sản tự nhiên tại các
thủy vực sông, hồ chứa tăng lên 80% so với thời điểm hiện tại.
- Thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo, phối hợp giữa
các cấp, ngành, địa phương các thành phần tham gia; tuân thủ các tiêu chuẩn,
quy chuẩn về bảo vệ và phát triển nguồn nước, môi trường, các loài thủy sinh,
thủy sản; tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản và Luật Thủy lợi.
II. Nội dung thực hiện
1. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng
trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, đoàn thể,
hội nghề nghiệp và người dân về pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; lợi ích của
việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản đối với các huyện,
thị xã, thành phố, cộng đồng người dân cũng như toàn xã hội. Trong giai đoạn từ
nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xây dựng các chuyên mục bảo vệ và
phát triển nguồn lợi thủy sản trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và đăng tải
trên Báo Đắk Lắk; lắp đặt các pano tuyên truyền ở các vùng trọng điểm; in tranh
cổ động, tờ rơi tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật và phổ biến
các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản cho cán
bộ, người dân từ tỉnh đến cơ sở, thôn buôn.
1.1. Tổ chức 60 lớp tập huấn, phổ biến các quy định
bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân, cán bộ quản lý thủy sản tại các huyện,
thị xã, thành phố, cụ thể:
- Giai đoạn từ năm 2018-2020 tổ chức 40 lớp;
- Giai đoạn 2021-2030 tiếp tục tổ chức 20 lớp.
1.2. Xây dựng 12 phóng sự, tin bài về tác hại của
khai thác thủy sản bằng hình thức hủy diệt và triển khai công tác bảo vệ nguồn
lợi thủy sản trên báo, hệ thống phát thanh, truyền hình của các huyện, thị xã,
thành phố và tỉnh, cụ thể:
- Giai đoạn từ năm 2018-2020 xây dựng 3 phóng sự;
- Giai đoạn 2021-2030 tiếp tục xây dựng 9 phóng sự.
1.3. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và
phát triển nguồn lợi thủy sản bằng các hình thức in ấn, phát hành các tài liệu,
tờ rơi, băng rôn, áp phích, pano ...
Triển khai, thực hiện tuyên truyền pháp luật về bảo
vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng các hình thức in ấn, phát hành các tài
liệu, tờ rơi, băng rôn, áp phích, pano ... hay phát động các hành động bảo vệ
nguồn lợi thủy sản tại các huyện, thị xã, thành phố.
2. Điều tra, nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu nghề khai
thác thủy sản phù hợp với các huyện, thị xã, thành phố
- Điều tra, đánh giá lại trữ lượng, nguồn lợi thủy
sản tại các vùng nước trong tỉnh, trong đó ưu tiên điều tra tại các lưu vực sông,
hồ lớn, khu bảo tồn, các thủy vực có các loài thủy sản đặc trưng của các huyện,
thị xã, thành phố có tính đa dạng sinh học cao; đánh giá các tác động ảnh hưởng
đối với việc tái tạo, gia tăng và suy giảm của nguồn lợi thủy sản.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy
sản của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin dữ liệu thủy sinh vật quốc gia và
khu vực lân cận, để đáp ứng thông tin cho nhu cầu quản lý, nghiên cứu.
- Xây dựng chế độ báo cáo kịp thời về các thông tin
khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thu thập số liệu chung về
hoạt động nghề cá của từng huyện, thị xã, thành phố để đáp ứng nhu cầu thông
tin cho các cấp quản lý.
- Xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án cho
10 thủy vực về điều tra thực trạng các nghề khai thác thủy sản của người dân,
nhằm tạo điều kiện chuyển đổi sinh kế, chuyển đổi nghề.
3. Tăng cường công tác tuần tra và xử lý vi phạm về
khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
Để quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
hiệu quả cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra từ các huyện, thị
xã, thành phố; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực thủy sản
và xử lý triệt để các hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
4. Công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản
- Kiểm soát hoạt động khai thác các loài thủy sản
quý hiếm, có giá trị về kinh tế và khoa học đang có nguy cơ bị tuyệt chủng như:
Cá lăng nha, cá còm da báo, cá mõm trâu, cá trà sóc, cá ngựa xám, cá sấu xiêm
...
- Tăng cường công tác điều tra nguồn lợi thủy sinh
và thực hiện bảo vệ nguồn lợi thủy sản sông Krông Ana, hồ Lắk, sông Srêpốk ...
nhằm khôi phục sinh cảnh, tạo môi trường sống, môi trường sinh sản cho các loài
thủy sinh vật, bảo tồn những loài thủy sản quý hiếm, có giá trị về khoa học,
kinh tế và đa dạng về thành phần giống loài.
- Hoạt động khai thác phải đi đôi với việc bảo vệ
các nguồn gen các loại thủy sản quý hiếm đang dần bị mất đi. Cần thường xuyên
theo dõi sự biến động nguồn lợi thủy sản tự nhiên và có kế hoạch thả bù giống
thủy sản để kịp thời phục hồi sản lượng tự nhiên.
Nghiên cứu, đánh giá tác động của nông dược, phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật đến nguồn lợi thủy sản. Qua đó cảnh báo những khu vực
bị ô nhiễm môi trường, xây dựng các giải pháp cải tạo và bảo vệ môi trường cũng
như bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn này
cần tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nguồn gen một số đối tượng cá bản
địa quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam:
+ Giai đoạn từ năm 2018-2020: Bảo tồn, phát triển
nguồn gen 03 loài cá (cá trà sóc, cá còm da báo, cá lăng nha).
+ Giai đoạn 2021-2030: Tiếp tục thực hiện bảo tồn,
phát triển nguồn gen 02 loài cá (cá sấu xiêm, cá mõm trâu).
5. Thả cá bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào
các thủy vực tự nhiên và quản lý môi trường sống của các loài thủy sinh
- Trước tình hình suy giảm nguồn lợi thủy sản hiện
nay, việc thả cá có định hướng vào các thủy vực là điều cần thiết để tái tạo
nguồn lợi. Tuy nhiên do đặc điểm của các thủy vực là khác nhau nên cần cân nhắc
các hình thức thả, đối tượng thả, thời điểm thả cá và các thủy vực thả cá giống
bổ sung.
- Đối với hệ thống sông thuộc lưu vực sông Srêpốk:
Tập trung thả các loài thủy sản có giá trị kinh tế và các loài cá bản địa đang
bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Cá mõm trâu, cá trà sóc, cá còm da
báo, cá ngựa xám, cá chiên lăng, ca lăng nha ...
- Đối với các sông còn lại (như hệ thống sông Ba,
sông Ea H'leo, sông Krông Pắc): Tập trung thả các loại cá truyền thống, bản địa
như: Cá chép, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chạch bùn…
- Đối với các hồ tự nhiên (hồ Lắk): Tập trung thả
các loài thủy sản đặc hữu của hồ như: cá thát lát, cá chép, cá chạch bùn, cá
lăng nha ...
- Đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện (có thực
hiện các mô hình đồng quản lý hoặc giao cho hợp tác xã, đoàn thể quản lý): Thả
các loài cá truyền thống như: cá trắm cỏ, cá mè hoa, cá trôi, cá chép.
- Từ nay đến năm 2030 triển khai thả giống bổ sung
tái tạo nguồn lợi thủy sản cho 50 thủy vực trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung
vào các loài cá truyền thống, cá bản địa và có giá trị kinh tế. Đồng thời bảo vệ
20 bãi đẻ của cá, nơi tập trung các loài thủy sản còn non, nơi cư trú của các
loài thủy sản.
5.1. Thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản
- Giai đoạn 2018-2020: Ưu tiên tập trung thả các
loài cá bản địa và cá có giá trị kinh tế như: Cá thát lát, cá lăng nha, cá chạch
bùn, cá trắm cỏ, cá mè hoa, cá trôi, cá chép vào các thủy vực sông Srêpốk, hồ Lắk,
hồ Buôn Triết, sông Krông Ana ...
- Giai đoạn 2021-2030: Tập trung thả các loài cá bản
địa có nguy cơ tuyệt chủng và thả các loài cá truyền thống như: Cá trà sóc, cá
còm da báo, cá chiên lăng, cá lăng nha cá chép, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chạch
bùn ... vào các thủy vực sông, hồ chứa thủy lợi thủy điện.
5.2. Bảo vệ bãi đẻ của cá, nơi tập trung các loài
thủy sản còn non, nơi cư trú của các loài thủy sản
Triển khai thực hiện bảo vệ các bãi đẻ của cá, nơi
tập trung các loài thủy sản còn non, nơi cư trú của các loài thủy sản. Ưu tiên
bảo vệ các bãi đẻ của cá, nơi tập trung, nơi trú ẩn của các loài thủy sản tại
Quyết định số 05/2011/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành
quy định về một số khu vực, hình thức, ngư cụ, đối tượng thủy sản cấm khai thác
và kích thước tối thiểu của các loài thủy sản được phép khai thác trong các
vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
- Giai đoạn từ năm 2018-2020: Bảo vệ các bãi đẻ,
nơi tập trung, nơi cư trú của các loài thủy sản tại Quyết định số
05/2011/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 của UBND tỉnh.
- Giai đoạn từ năm 2021-2030: Tiếp tục bảo vệ các
bãi đẻ, nơi trú ẩn, nơi tập trung của các loài thủy sản tại Quyết định số
05/2011/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 của UBND tỉnh và một số bãi đẻ, nơi trú ẩn, nơi
tập trung của các loài thủy sản khác trên địa bàn tỉnh.
6. Xây dựng một số khu neo đậu của thuyền đánh cá
cho người dân khai thác tại một số thủy vực trọng điểm
Triển khai xây dựng một số khu neo đậu cho thuyền
đánh cá để thuận tiện cho người dân khai thác thủy sản. Các khu neo đậu là đầu
mối tập trung nguồn lợi thủy sản khai thác được nên rất thuận tiện cho công tác
kiểm soát, kiểm tra nguồn lợi thủy sản khai thác được. Từ đó triển khai phương
án điều chỉnh hợp lý ngành nghề khai thác thủy vực tại các thủy vực, cũng như
có phương án tái tạo bổ sung nguồn lợi thủy sản kịp thời. Đồng thời chất lượng
nguồn lợi thủy sản sau khi khai thác được đảm bảo.
Triển khai, xây dựng các khu neo đậu cho thuyền
đánh cá tại các bến cá sông Krông Ana, sông Srêpốk, hồ Ea Súp thượng, hồ Ea Súp
hạ, hồ Krông Búk hạ ...
7. Phát triển và xây dựng mới các mô hình đồng quản
lý nghề cá
Xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình đồng
quản lý nghề cá là công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả nhất hiện nay,
vì vậy cần tăng cường khuyến khích người dân thành lập các Chi hội, các tổ nghề
cá để cùng quản lý và hưởng lợi. Tuy nhiên để các mô hình đồng quản lý hoạt động
có hiệu quả cần có các chính sách hỗ trợ để duy trì và phát triển một cách bền
vững.
III. Kinh phí thực hiện kế hoạch
Nhu cầu vốn cho Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án
bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
là 23.400 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 8.800 triệu đồng từ
nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của
Thủ tướng Chính phủ.
- Ngân sách địa phương: 11.900 triệu đồng từ nguồn
ngân sách tỉnh, ngân sách huyện cấp hàng năm và một số nguồn vốn lồng ghép khác
như: Khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, tái cơ cấu
ngành nông nghiệp ...
- Nguồn huy động khác: 2.700 triệu đồng từ nguồn hỗ
trợ quốc tế thông qua các dự án nước ngoài (ODA hoặc NGO) đang hoạt động tại tỉnh
và các nguồn hợp pháp khác.
IV. Các giải pháp thực hiện kế
hoạch
1. Về cơ chế, chính sách
1.1. Chính sách về đầu tư tín dụng
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ cá nhân, hộ gia
đình, tổ chức tham gia nuôi trồng và khai thác thủy sản lòng hồ thủy điện được
hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển Nhà nước. Đồng thời, thực hiện
các chính sách khuyến khích thu hút ưu đãi đầu tư theo Nghị định số
118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008
của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61
huyện nghèo ... để đẩy nhanh phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư
theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và các quy định hiện hành.
- Được hỗ trợ vốn thông qua chương trình khuyến
nông, chương trình phát triển kinh tế miền núi, các dự án nuôi cá hồ chứa,
chương trình giảm nghèo, được trợ cước vận chuyển cá giống theo quy định hiện
hành.
- Có mức xử phạt hợp lý với các phương tiện khai
thác thủy sản hủy diệt.
- Điều chỉnh văn bản pháp luật sao cho phù hợp với
nghề cá nội đồng.
- Có chính sách để khuyến khích nhân rộng, xây dựng
và phát triển các mô hình đồng quản lý và quản lý cộng đồng với nghề cá nội đồng.
1.2. Khuyến khích các thành phần kinh tế và nhà
đầu tư xây dựng các bến cá, chợ cá, cơ sở chế biến sản phẩm, tạo điều kiện tiêu
thụ sản phẩm
- Nuôi trồng và khai thác thủy sản là những nghề có
tính rủi ro cao, vì vậy cần thành lập quỹ bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp,
trong đó có thủy sản.
- Người dân có thể liên doanh với các tổ chức, cá
nhân trong nước hoặc nước ngoài để đầu tư vốn phát triển nghề cá.
2. Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo
nguồn nhân lực
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục
đích, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng,
đặc biệt là người dân làm nghề khai thác thủy sản, học sinh, sinh viên. Đồng thời
huy động các tổ chức, đoàn thể, xã hội, hội nghề nghiệp tham gia các hoạt động
tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng
điều kiện và đối tượng như: Xây dựng phóng sự truyền hình, tiểu phẩm, ấn phẩm,
pano, đăng tin trên báo, đài phát thanh từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức các cuộc thi
tìm hiểu về Luật Thủy sản, các văn bản pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ
cán bộ có chuyên môn nhằm kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát, thu
thập thông tin, báo cáo về các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi
thủy sản.
3. Về quy hoạch
Đưa việc sản xuất thủy sản tại khu vực sông, lòng hồ
chứa trên địa bàn tỉnh; phát triển nuôi trồng, chế biến các loài cá nuôi lồng
chủ lực trên sông, hồ chứa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến
năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
4. Về khoa học, công nghệ
- Xây dựng hệ thống sản xuất cá giống phù hợp với
điều kiện sinh thái của sông, hồ chứa cho năng suất và giá trị kinh tế cao, dễ
khai thác, có khả năng tự sinh sản trong tự nhiên, làm sạch môi trường sinh
thái.
- Thử nghiệm, ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng bè,
phù hợp với từng loài cá nuôi từng khu vực có điều kiện sinh thái đặc trưng khác
nhau như: công nghệ sản xuất lồng bè phù hợp, bền, nhẹ, vận chuyển, lắp ráp dễ
dàng và giá thành rẻ đã được áp dụng ở một số địa phương; công nghệ chế biến thức
ăn tận dụng nguyên liệu địa phương (ngô, đậu tương, khoai, sắn ...) phối hợp với
các chất cần thiết như bột cá, vi lượng, vitamin, chất thô đảm bảo thức ăn có
chất lượng cao, vệ sinh, giá thành thấp. Tăng cường công tác phòng bệnh cho các
loài cá nuôi.
- Đẩy mạnh công tác khuyến ngư: Xây dựng các mô
hình trình diễn ứng dụng kỹ thuật về ương dưỡng cá giống, mô hình nuôi cá lồng
hồ chứa, hồ thủy điện có năng suất cao, nuôi cá lồng với các giống loài mới, mô
hình sản xuất thức ăn bằng nguyên liệu tự nhiên, phương pháp phòng và chữa bệnh
hiệu quả cho cá nuôi.
5. Về hợp tác quốc tế
- Tăng cường công tác quốc tế về: Điều tra, nghiên
cứu nguồn lợi thủy sản.
- Chủ động tích cực tham gia các tổ chức quốc tế có
liên quan để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm và thông qua các tổ chức
này kêu gọi sự giúp đỡ, tài trợ về kinh nghiệm và kinh phí, kỹ thuật.
- Tham quan, học tập trao đổi thông tin chia sẻ
kinh nghiệm về công tác quản lý các khu bảo tồn, về điều tra, nghiên cứu nguồn
lợi với các nước trong khu vực và trên thế giới.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì cùng với các Sở, ngành có liên quan, UBND
các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nội dung của Kế hoạch triển khai thực
hiện.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các
ngành có liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên
truyền và phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi, môi trường
thủy sản với những nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp đến người dân; phối
hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức duy trì công
tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản của các cá nhân, tổ chức tại
các thủy vực trên địa bàn tỉnh.
- Chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các ngành, các
cấp thực hiện các nội dung của Kế hoạch; tham mưu đề xuất các giải pháp giải
quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ các nguồn kinh phí thực
hiện Chương trình từ ngân sách Trung ương hỗ trợ theo yêu cầu nhiệm vụ Kế hoạch.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các chính sách hỗ
trợ, kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp
tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
3. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham
mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến
lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành để
thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự
nghiệp cho các đơn vị cấp tỉnh bảo đảm triển khai thực hiện Kế hoạch.
4. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa
phương tổ chức, duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định tàng trữ,
sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản và các hình thức khai thác thủy sản khác
làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực sông hồ thuộc vùng biên giới.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành
vi vi phạm của người dân thuộc vùng biên giới có hoạt động, hành vi khai thác
thủy sản không đúng quy định làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường và
nguồn lợi thủy sản.
5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
Chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa
phương tổ chức, duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định tàng trữ,
sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản và các hình thức khai thác thủy sản khác
làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực sông, hồ chứa trên địa bàn
tỉnh.
6. Công an tỉnh
- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát
môi trường phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp tuyên truyền phổ biến
các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức các đợt tuần
tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi, môi
trường thủy sản, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
7. Sở Tài Nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tổ chức quản lý các Khu bảo tồn đất ngập nước, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và
thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản.
8. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học về nguồn lợi
thủy sản và hỗ trợ việc chuyển giao các quy trình sản xuất các loài thủy sản
quý hiếm theo các quy định hiện hành.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì cùng với các các huyện, thị xã, thành phố
xây dựng nội dung đưa vào tuyên truyền bằng hình thức giờ học ngoại khóa về bảo
vệ nguồn lợi thủy sản tại các trường trung học của các xã, phường có nghề khai
thác thủy sản phát triển; tổ chức cho các trường THPT tham gia tìm hiểu về công
tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
10. Sở Công thương
Xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch và các
giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh; đề xuất các chính sách để
khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với tiêu thụ ổn định.
11. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk
Phối hợp Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn,
các ngành ở địa phương xây dựng và định kỳ phát sóng, đưa các phóng sự, phim
tài liệu, tin bài về tác hại của các phương thức khai thác hủy diệt, các vi phạm
về bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sản thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy
sản của các ngành, tổ chức cá nhân trên thông tin đại chúng, xây dựng và phát
sóng chuyên mục bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
12. Các tổ chức chính trị - xã hội khác
Có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và hiệu quả những nội
dung liên quan trong Kế hoạch của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được
giao.
13. UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc điểm của
từng địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp với các ngành thực hiện
tốt các nội dung liên quan đã nêu trong Kế hoạch.
- Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và
xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi
thủy sản trên địa bàn. Đặc biệt, chỉ đạo UBND cấp xã xử lý nghiêm các trường hợp
khai thác thủy sản bằng các hình thức hủy diệt (chất nổ, xung điện, kích điện
...) làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
- Triển khai thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ
việc làm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sống bằng nghề khai thác thủy
sản nhằm làm giảm áp lực khai thác đối với nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực.
Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả triển khai thực
hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo
vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực sông, hồ chứa trên địa bàn
tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, và tầm nhìn năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc chỉ
đạo, triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng
mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đê tổng hợp
tham mưu, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT(b/c)
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Tổng cục thủy sản;
- Sở, ngành tỉnh liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NN&MT (Tg.50b).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Giang Gry Niê Knơng
|