Quyết định 3224/QĐ-UBND năm 2018 hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3224/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/11/2018
Ngày có hiệu lực 22/11/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Đức Hòa
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3224/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Quyết định số 67/QĐ-TCTS-KTBVNL ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Tổng cục Thủy sản về hướng dẫn đồng quản lý nghề cá tại Việt Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2797/SNN-KHTC ngày 15 tháng 11 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, PCT.UBND tỉnh (Đ/c Hòa);
- Các Sở: TN&MT, KH&ĐT, VHTTDL, NV, TP;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Báo Bình Thuận, Đài PT-TH tỉnh;
- Chi cục Thủy sản;
- Lưu: VT, KT, Đức ( b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Hòa

 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3224 /QĐ-UBND ngày 22/11/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng ngư dân và đảm bảo thực hiện thống nhất về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Giải tích từ ngữ:

Trong Hướng dẫn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Quyền khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là quyền được khai thác, sử dụng và tổ chức các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi và các hoạt động liên quan khác trong vùng nước được Nhà nước giao quyền.

- Cộng đồng được hiểu là một nhóm công dân chung sống cùng hoặc không cùng một khu vực địa lý, cùng chia sẻ một hệ thống giá trị, các nhu cầu và lợi ích chung bao gồm: Khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy sản; thu mua, chế biến, dịch vụ hậu cần; du lịch giải trí và thương mại có liên quan đến nguồn lợi thủy sản.

- Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là tổ chức do các thành viên cộng đồng tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, dưới hình thức là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản và một số lĩnh vực có liên quan đến hoạt động thủy sản, có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc hoặc nhà sinh hoạt chung, có tài khoản và con dấu riêng tự trang trãi về kinh phí hoạt động.

- Ban đại diện của Tổ chức cộng đồng là những người đại diện cho tổ chức cộng đồng, được lựa chọn thông qua bầu cử trong nội bộ cộng đồng.

- Hoạt động thủy sản là hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; nuôi trồng thuỷ sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản.

- Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí.

- Loài mục tiêu là loài thủy sản được chọn để bảo vệ, quản lý khai thác bền vững trong khu vựcthực hiện đồng quản lý, trong đó ưu tiên: Loài có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế, du lịch, giải trí và có gắn với hoạt động sinh kế của ngư dân; loài bản địa hoặc đặc hữu của địa phương; loài đang bị suy giảm và cạn kiệt, loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên.

- Khu vực thực hiện đồng quản lý là vùng nước được chọn để tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững; đảm bảo là nơi phân bố tập trung của loài mục tiêu hoặc nơi có tính đa dạng sinh học cao, bãi đẻ, sinh sống thường xuyên của các loài thủy sản, có hệ sinh thái san hô, thảm rong, cỏ biển, bãi rạn,…thuộc ranh giới quản lý của cộng đồng, địa phương mình.

[...]