Kế hoạch 5165/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 5165/KH-UBND
Ngày ban hành 21/10/2020
Ngày có hiệu lực 21/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Thanh Trúc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5165/KH-UBND

Bình Dương, ngày 21 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;

Thực hiện Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 26/6/2017 của Tỉnh ủy Bình Dương Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, điệu kiện tình hình phát triển du lịch của tỉnh Bình Dương. Tập trung các nguồn lực xây dựng du lịch Bình Dương trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực có liên quan cùng phát triển, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

b) Từng bước xây dựng phát triển thương hiệu du lịch Bình Dương.

c) Quản lý, khai thác phát huy tiềm năng phát triển du lịch, lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

d) Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch; thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Dương.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương một cách đồng bộ, với sự chủ động, phối hợp của các sở, ban, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho lĩnh vực du lịch phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Phấn đấu phát triển du lịch phải hài hòa với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình đã đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn từ năm 2021 - 2025

- Phấn đấu tăng trưởng bình quân khách đến tham quan và lưu trú khoảng 15%/ năm trở lên; Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 20%/năm trở lên. Đến năm 2025, thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 5.250.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 320.000 lượt). Doanh thu từ du lịch khoảng 2.090 tỉ đồng.

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch và các kỹ năng liên quan đến hoạt động du lịch cho khoảng 400-500 lượt người tham gia.

- Đề xuất thành lập quỹ phát triển du lịch để hỗ trợ công tác đào tạo, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch...

2. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030

- Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách đến tham quan và lưu trú khoảng 7%/ năm; Doanh thu từ du lịch tăng khoảng 12%/năm. Đến năm 2030, thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 8.100.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 480.000 lượt). Doanh thu từ du lịch khoảng 3.700 tỉ đồng.

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch và các kỹ năng liên quan đến hoạt động du lịch cho khoảng 600-700 lượt người tham gia.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từ các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng dân cư và xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh. Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao, có tính nhân văn sâu sắc, tạo nhiều việc làm, đóng góp vào hội nhập kinh tế, góp phần tạo động lực cho các ngành khác phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng.

- Nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và trong thực hiện xây dựng thương hiệu du lịch Bình Dương.

- Đổi mới tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.

2. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch

[...]