Kế hoạch 51/KH-UBND năm 2016 về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020

Số hiệu 51/KH-UBND
Ngày ban hành 08/04/2016
Ngày có hiệu lực 08/04/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Dung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 4 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg ngày 5/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích gây ra, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Tập trung vào những nơi thường xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em như tại gia đình, trường học và nơi công cộng nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 600/100.000 trẻ em;

b) Giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn thương tích hàng năm dưới 17/100.000;

c) Trên 75% ngôi nhà thuộc gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 100 % trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; mỗi năm phấn đấu có 02 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn Quốc gia;

d) Giảm 6% số trẻ em bị đuối nước so với năm 2015; Giảm 25% số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông;

e) Trên 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết các quy định về an toàn giao thông;

g) Trên 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước;

h) Trên 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy;

i) 100% bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm tại các khu du lịch được cấp phép đảm bảo quy định an toàn; 100% bến đò vận chuyển khách sang sông, bến tàu được cấp phép bảo đảm các quy định an toàn.

k) 100% cán bộ có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cấp xã và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. 100% y tế thôn, bản, y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn thương tích.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở, lập kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó tập trung phòng, chống đuối nước cho trẻ em, thực hiện tốt Tiêu chí Ngôi nhà an toàn theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6/5/2011; xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 34/QĐ-LĐTBXH ngày 30/5/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn, trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; trình HĐND, UBND cùng cấp phê duyệt để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các cấp và là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của địa phương.

2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

- Xây dựng chuyên đề về tai nạn thương tích trẻ em và phổ biến kỹ năng phòng chống các loại tai nạn thương tích như: bỏng, điện giật, đuối nước, ngộ độc thức ăn, tai nạn giao thông...trên đài truyền hình, đài phát thanh, đài truyền thanh xã/phường, trên sách, báo, áp phích, tờ rơi...Đặc biệt chú trọng đến các vùng nghèo, vùng sông nước, vùng sâu vùng xa.

- Tổ chức các cuộc triển lãm, các hội thi cho trẻ em với nội dung có liên quan đến phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học theo các chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng thông qua các phương tiện truyền thông sẵn có tại cộng đồng và thông qua các hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi hoặc cung cấp các ấn phẩm truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho các đối tượng tham gia.

3. Tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức tập huấn các nội dung: kiến thức và kỹ năng chung về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng; kỹ năng xây dựng và triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; kỹ năng truyền thông, vận động xã hội về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em... cho đội ngũ cộng tác viên và cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp.

4. Xây dựng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

a) Nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em với các hoạt động: Xác định nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình; hướng dẫn các gia đình cách loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6/5/2011;

Hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn tại gia đình; triển khai các hoạt động can thiệp loại bỏ nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em tại gia đình; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, CTV cách triển khai mô hình và kỹ năng phát hiện và loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em trong ngôi nhà.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ