Kế hoạch 508/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình 09-CTr/TU do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 508/KH-UBND
Ngày ban hành 16/12/2021
Ngày có hiệu lực 16/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Ngọc Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 508/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 16 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 09-CTR/TU NGÀY 10/9/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY

Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình số 09-CTr/TU; tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về PCTN, tiêu cực, nhất là cơ quan thường trực, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; tăng cường phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực thực sự trong sạch, có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Xác định PCTN, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; quá trình triển khai thực hiện công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực phải bám sát quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Xây dựng, thực hiện các chương trình, chuyên đề, giải pháp trọng tâm, cụ thể, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình số 09-CTr/TU, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình lãnh đạo, quản lý, phụ trách.

- Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

- Tổ chức quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình, kế hoạch công tác năm của các địa phương, đơn vị; gắn công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực với hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến công tác PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp thực hiện công tác PCTN. Kiên trì giáo dục đạo đức, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Đa dạng hóa về hình thức và nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, lãng phí, đảm bảo phù hợp với từng từng địa phương và đối tượng tuyên truyền.

- Làm tốt công tác định hướng thông tin, dư luận xã hội, khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”; kịp thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, những cá nhân tiêu biểu; có cơ chế, chính sách thực hiện việc bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tích cực, dũng cảm đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực; kiến nghị xử lý nghiêm việc đưa tin tố cáo sai sự thật, bịa đặt, gây hậu quả xấu trong dư luận.

2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mà trước hết là người đứng đầu trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực

- Cấp ủy, chính quyền các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp PCTN, lãng phí, tiêu cực, nâng cao điểm số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh hằng năm.

- Các đơn vị, địa phương, trực tiếp là người đứng đầu phải gương mẫu, đề cao vai trò trách nhiệm, bản lĩnh, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực theo chương trình, kế hoạch đã ban hành; thực hiện nghiêm việc đánh giá công tác PCTN hằng năm.

- Quy định cụ thể việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực. Tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng phức tạp kéo dài và công khai kết quả giải quyết theo quy định.

- Khi phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí phải kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý đúng quy định, thẩm quyền và báo cáo kịp thời, đầy đủ lên cấp trên; không được bao che, ngăn cản hoặc bưng bít thông tin, giảm nhẹ sai phạm do sợ liên đới trách nhiệm, mất thành tích của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết thay thế người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực do không triển khai đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, có hình thức biểu dương, khen thưởng đối với người đứng đầu chủ động kiểm tra, thanh tra, tự phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị.

3. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả PCTN, lãng phí, tiêu cực

- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn của tỉnh, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, sơ hở; kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nảy sinh trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách.

- Triển khai thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, các quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo Luật PCTN năm 2018; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, căn cứ quy định của Luật PCTN và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh lành mạnh đối với người lao động, thành viên, hội viên; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

[...]