Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 4453/KH-UBND năm 2024 thực hiện Kế hoạch 398-KH/TU trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 4453/KH-UBND
Ngày ban hành 18/06/2024
Ngày có hiệu lực 18/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4453/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 398-KH/TU NGÀY 29/3/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY TRONG CÔNG TÁC THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC THÀNH PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC

Thực hiện Kế hoạch số 398-KH/TU ngày 29/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được nêu tại Báo cáo số 463-BC/TU ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi tắt là PCTN, TC) tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật trên từng lĩnh vực có liên quan.

2. Yêu cầu

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC thành pháp luật.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, tài sản công, tài chính công, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, xây dựng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp..., nhất là văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; chỉ đạo thực hiện thường xuyên công tác tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, xử lý triệt để các quy định trái pháp luật hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập nhằm kịp thời khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

2. Tổ chức đánh giá thực trạng; đồng thời rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục sơ hở trong các quy định của pháp luật liên quan đến việc các chủ đầu tư thực hiện việc chuyển nhượng các căn biệt thự, nhà liền kề tại khu du lịch, dịch vụ thương mại, lẩn tránh dưới các hình thức góp vốn hoặc hợp tác kinh doanh, làm thất thu ngân sách nhà nước.

3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đấu thầu theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong đấu thầu. Trọng tâm là cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC thành pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu liên quan đến các nội dung sau:

- Hoàn thiện thể chế, pháp luật về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo nguyên tắc xét duyệt trúng thầu bảo đảm công khai, minh bạch trong quyết định, chủ trương đầu tư, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản nhằm phòng ngừa thất thoát, lãng phí, “lợi ích nhóm” và tham nhũng, tiêu cực.

- Hoàn thiện thể chế, pháp luật về mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với các loại hàng hóa có nhu cầu sử dụng nhiều hoặc có giá trị lớn; bảo đảm công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm.

- Hoàn thiện thể chế, pháp luật về kiểm tra, thanh tra trong đầu tư, xây dựng từ ngân sách nhà nước để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm...

4. Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản mới hướng dẫn thi hành, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đấu giá tài sản; giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

5. Tăng cường công tác giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sơ hở, bất cập trong việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC thành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Trọng tâm là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến các nội dung sau:

- Hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và khắc phục việc tùy tiện sửa đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

- Hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về giao đất, cho thuê đất để khắc phục tình trạng đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, trái pháp luật, đầu cơ đất, “lợi ích nhóm”, chậm đưa đất vào sử dụng; thực hiện đấu thầu công khai quyền sử dụng đất đối với quỹ đất dành cho các dự án kinh doanh hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại, nhà ở, các cơ sở dịch vụ có vị trí kinh doanh thuận lợi nhằm phòng ngừa “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

- Hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về giá đất theo nguyên tắc xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất tới từng thửa đất; có cơ chế giám sát các cơ quan chức năng và tổ chức định giá đất độc lập để bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá đất và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

- Hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về quản lý đất đai theo hướng từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, góp phần PCTN, TC...

6. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý, khắc phục những sai phạm, vi phạm xảy ra; thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra văn bản theo thẩm quyền và trách nhiệm xử lý văn bản trái luật theo quy định của địa phương; xử lý nghiêm trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền trong việc tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền; đẩy mạnh xử lý văn bản sau khi có kết quả rà soát.

7. Lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; có cơ chế thu hút người tài, nhà khoa học, chuyên gia giỏi tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện.

8. Bố trí đủ kinh phí, nguồn nhân lực, đảm bảo chế độ, chính sách cho người làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thi hành án dân sự, giám định tư pháp.

9. Tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế hóa đầy đủ, đúng các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC thành pháp luật và hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện; khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý các vi phạm, khuyết điểm trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương):

[...]