Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 48/KH-UBND năm 2018 tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2021

Số hiệu 48/KH-UBND
Ngày ban hành 06/03/2018
Ngày có hiệu lực 06/03/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Long Hải
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2021

Thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 (gọi tắt là Đề án 1928). Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2021, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1928/QĐ- TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 705/QĐ- TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường.

b) Đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2021 phấn đấu đạt các mục tiêu sau:

a) Đảm bảo 100% cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, dạy nghề tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật;

b) Phấn đấu hằng năm có từ 80% trở lên đội ngũ cán bộ phụ trách công tác PBGDPL, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy kiến thức, môn học, học phần về pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia PBGDPL theo yêu cầu nhiệm vụ;

c) Phấn đấu 100% các nhà trường triển khai thực hiện PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân, môn học, học phần về pháp luật theo quy định;

d) Phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp duy trì và nâng cao chất lượng Tủ sách pháp luật hoặc ngăn sách pháp luật, tài liệu, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác PBGDPL. Bố trí đủ thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác PBGDPL trong trường mầm non, phổ thông.

2. Yêu cầu

a) Kế thừa kết quả và kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án 1928 trong giai đoạn 2009-2016 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để triển khai có hiệu quả đến năm 2021, bảo đảm sự liên tục và tính hệ thống của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Thực hiện PBGDPL trong nhà trường cần chú trọng phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật với giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên.

c) Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đoàn thể để bảo đảm triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức PBGDPL trong nhà trường.

d) Kết hợp chặt chẽ giữa phối hợp PBGDPL với xử lý vi phạm pháp luật và việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào; phối hợp các lực lượng làm công tác PBGDPL.

II. NHIỆM VỤ

1. Tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo

- Đối với giáo dục mầm non: Tổ chức giới thiệu nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, về gia đình, về môi trường, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm lồng ghép vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo.

- Đối với giáo dục phổ thông: Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh, giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh. Chú trọng các nội dung về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống tệ nạn xã hội…. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm 2013-2014.

- Đối với Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên: Lựa chọn nội dung cơ bản, cần thiết, phù hợp với các chương trình và đối tượng, trong đó nội dung pháp luật, giáo dục công dân là bắt buộc đối với các chương trình cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp tục triển khai chương trình môn học Pháp luật trong các chương trình đào tạo theo hướng cung cấp các nội dung pháp luật cụ thể trong đó chú ý các quy định về pháp luật lao động, hợp đồng và các quy định gắn với đặc thù của từng ngành nghề đào tạo.

- Đối với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh: Tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật cơ bản cho sinh viên của tất cả các ngành đào tạo. Bảo đảm cho học sinh, sinh viên ra trường nắm được lý luận cơ bản về pháp luật để có thể tự tìm hiểu các ngành luật cần thiết.

2. Tiếp tục triển khai có chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khóa, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp

Tích cực triển khai nhiều hình thức PBGDPL ngoại khóa, hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp một cách có hiệu quả nhằm cập nhật các kiến thức pháp luật mới, kịp thời bổ sung kiến thức cho các bài học chính khóa. Các hoạt động này cần đa dạng, sinh động, phong phú phù hợp với từng đối tượng và được tổ chức thường xuyên, kết hợp trong việc kỷ niệm các ngày lịch sử, dịp lễ, tết...

3. Rà soát, bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

[...]