Kế hoạch 4703/KH-UBND năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục và Đào tạo do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 4703/KH-UBND
Ngày ban hành 14/09/2023
Ngày có hiệu lực 14/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4703/KH-UBND

Bình Dương, ngày 14 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2023 - 2024 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Quyết định số 2171/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Quyết định số 2457/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 2031/QĐ-UBND ngày 10/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2238/TTr-SGDĐT ngày 07/09/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương như sau:

Năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI với chủ đề năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và chỉ đạo toàn ngành Giáo dục tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 nhằm củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

2. Làm căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện của địa phương, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024.

3. Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp toàn ngành Giáo dục năm học 2023 - 2024 gắn với thực hiện đúng các quy định về phân cấp, phân quyền, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiện quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục

- Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.

- Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.

2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

- Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”; bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

- Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở; lớp 10 và lớp 11 cấp trung học phổ thông. Tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Triển khai thực hiện chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông báo đảm chất lượng, hiệu quả; đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh học tập thường xuyên, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

- Tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

- Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; đảm bảo bố trí giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

- Tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị có chức năng, uy tín, chất lượng trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CCVC quản lý, giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy học Chương trình GDPT 2018;

- Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

4. Bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

- Có giải pháp hiệu quả huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tham mưu các cấp, các ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỷ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ- TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục ưu tiên nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.

- Chú trọng đầu tư xây dựng các công trình trường học, nhất là việc thống nhất danh mục đầu tư theo từng kỳ kế hoạch; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đủ chuẩn học hai buổi ở các cấp học.

[...]