Kế hoạch 470/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2024 do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 470/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2024
Ngày có hiệu lực 19/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Võ Đức Trong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 470/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2024

Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-BCĐ138/CP ngày 15/01/2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024; căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mua bán người; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng, chống mua bán người; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm mua bán người và những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống mua bán người đã được chỉ ra trong năm 2023.

- Đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án mua bán người đạt tỷ lệ trên 90% tổng số án khởi tố, 95% số vụ án mua bán người được giải quyết và truy tố, xét xử. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đảm bảo nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, trao đổi thông tin với lực lượng chức năng các tỉnh Campuchia giáp biên giới trong phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

- Công an tỉnh - Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tham mưu triển khai thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 và các Đề án thuộc Chương trình; Duy trì giao ban định kỳ quý, 6 tháng, năm với Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố kết hợp đánh giá việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người.

- Các cơ quan ban ngành, tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh; Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7”; thông báo kịp thời phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống mua bán người.

- Ban Chỉ đạo huyện Tân Biên, Bến Cầu củng cố, kiện toàn Văn phòng BLO Mộc Bài, Xa Mát, kịp thời trao đổi thông tin với Văn phòng BLO tương ứng của Campuchia trong phòng, chống tội phạm mua bán người.

2. Công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người

2.1. Công tác truyền thông

- Các sở, ngành; tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép các hoạt động của ngành, đơn vị mình với các hình thức truyền thông, giáo dục phòng ngừa về phòng, chống mua bán người. Tuyên truyền thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung xác định rõ đối tượng, nội dung và phương pháp truyền thông phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu năm 2024 kéo giảm số vụ phạm tội mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất cảnh ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao; mua bán người trong nội địa. Đẩy mạnh truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động sân khấu hóa, xây dựng pano, áp phích...

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa tin nội dung tuyên truyền phòng chống mua bán người vào định hướng tuyên truyền hàng tháng; định hướng các cơ quan Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng chống mua bán người; “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7” trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp cho hệ thống truyền thông ở cơ sở để tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác.

- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý văn hóa, du lịch, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở phòng, chống tội phạm mua bán người và xâm hại tình dục trẻ em.

- Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật công tác phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

- Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tuyên truyền trong các trường học, lồng ghép trong các hoạt động học tập phù hợp với từng cấp học về phòng, chống mua bán người cho học sinh, sinh viên.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng đứng chân trên tuyến biên giới tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho người dân các xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

- Công an tỉnh biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin về phương thức thủ đoạn mới, những gương điển hình trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người để phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài phát Thanh truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan tuyên truyền rộng rãi phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân cảnh giác. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình phòng chống tội phạm ở cơ sở gắn với phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần phòng ngừa tội phạm mua bán người.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, các chiến dịch truyền thông tuyên truyền tại cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phù hợp, nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên để hỗ trợ thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền tại cộng đồng. Lựa chọn xây dựng mô hình phù hợp nhất là mô hình hỗ trợ nạn nhân, cung cấp thông tin và kết nối nạn nhân với các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân; phối hợp hỗ trợ nạn nhân được tham gia vay vốn...

2.2. Công tác phòng ngừa xã hội

- Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng tình hình, các nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người tại địa phương, làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, giải pháp phòng ngừa xã hội.

- Tổ chức lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân (như: vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số,...) không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành, đoàn thể để trực tiếp chỉ đạo giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.

2.3. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ

- Lực lượng Công an, chủ công là lực lượng Cảnh sát Hình sự phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của ngành về công tác nghiệp vụ cơ bản phòng chống mua bán người, trong đó đặc biệt lưu ý tổ chức điều tra cơ bản lĩnh vực phòng, chống mua bán người xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, theo các chỉ tiêu, yêu cầu của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã đề ra. Triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản phòng chống mua bán người đảm bảo toàn diện, từ đời thực đến không gian mạng; thực hiện hiệu quả nội dung liên quan đến tội phạm mua bán người thuộc phần mềm nghiệp vụ cơ bản và điều tra hình sự.

[...]