Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2019 thực hiện chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 47/KH-UBND
Ngày ban hành 01/04/2019
Ngày có hiệu lực 01/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Anh Nhịn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 01 tháng 04 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ TỔNG HỢP CHẤT THẢI RẮN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, với các nội dung như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ THỰC TRẠNG CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Năm 2018, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khoảng 1.300 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 672 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng từ 628 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 93% (tương đương 624 tấn/ngày), chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn như: thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc, huyện Kiên Lương, thành phố Hà Tiên,... và xử lý được khoảng 170 tấn/ngày, chiếm 27,3% lượng rác thu gom; 72,7% lượng rác còn lại (tương đương 454 tấn/ngày) được thu gom về các bãi rác ở các huyện. Riêng rác thải nông thôn chưa được tổ chức thu gom, xử lý theo quy định. Hầu hết rác thải nông thôn được người dân thu gom, xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt (chiếm khoảng 97%), một lượng nhỏ được thu gom về bãi rác tập trung ở xã hoặc huyện. Tổng lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh 275.778 kg (trong đó, lượng CTNH rắn là 69.507 kg và CTNH lỏng là 206.271 kg); lượng CTNH được thu gom và xử lý khoảng 183.653 kg, đạt 59,41%.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 01 nhà máy xử lý rác sinh hoạt đang hoạt động với công suất 170 tấn/ngày đêm, 01 lò đốt tại xã Tiên Hải - thành phố Hà Tiên và 01 nhà máy xử lý rác huyện Phú Quốc đang trong giai đoạn hoàn thành các hạng mục công trình, lắp đặt trang thiết bị và đưa vào vận hành chính thức đầu năm 2019; 01 đơn vị có giấy phép xử lý CTNH. Tuy nhiên, do đơn vị này thu gom, xử lý còn giới hạn về chủng loại CTNH nên hầu hết các chủ nguồn thải phải ký hợp đồng với đơn vị có cơ sở xử lý trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH phát sinh.

Theo quy hoạch tổng thể, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sẽ có 07 khu xử lý chất thải rắn (CTR) liên huyện, 07 bãi chôn lấp khu vực đô thị, 20 bãi chôn lấp khu vực nông thôn, 10 trạm trung chuyển CTR đô thị, 46 trạm trung chuyển khu vực nông thôn và 10 lò đốt rác ở các xã đảo.

Nhìn chung, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và CTNH trên địa bàn tỉnh đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; còn khó khăn về tuyến đường thu gom và vận chuyển (vùng sâu, vùng xa thuộc các khu vực nông thôn),... nên lượng rác thải trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom, xử lý triệt để và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích:

- Nhằm quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh;

- Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn, thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng.

2. Yêu cầu:

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các sở ngành, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn. Huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các sở ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và người dân trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn;

- Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp phải xác định nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn, tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện Kế hoạch này, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững;

- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp;

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu đến năm 2025:

- Về chất thải rắn nguy hại:

+ 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;

+ 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Về chất thải rắn sinh hoạt đô thị:

+ Tất cả các đô thị loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình;

+ 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom;

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ