Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 66/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2019
Ngày có hiệu lực 03/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Đào Anh Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 03 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ TỔNG HỢP CHẤT THẢI RẮN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 672/TTr-STNMT ngày 12 tháng 3 năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), bao gồm các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018; đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Yêu cầu:

- Quản lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng liên vùng, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm đất đai, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của thành phố; đầu tư có trọng tâm và ưu tiên cho từng giai đoạn cụ thể; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng.

- Nâng cao trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động quản lý chất thải rắn; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường;

- Các cấp, các ngành xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn từ nay đến năm 2020:

- Chất thải rắn sinh hoạt đô thị: 90-99,95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý; trong đó, 90-97% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

- Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: 45-65% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

+ 70% các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

- Chất thải rắn công nghiệp: 70-80% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

+ Lập dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại.

- Chất thải rắn y tế: 90-99,95% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

- Chất thải rắn xây dựng: 70-90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại đô thị được thu gom, xử lý; trong đó, 90% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

- Bùn thải: 90 - 99,95% bùn thải từ bể tự hoại và bùn thải từ hệ thống thoát nước được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

2. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030:

- Chất thải rắn sinh hoạt đô thị: 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý; trong đó, 97% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định, cụ thể:

+ 80% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.

+ Sử dụng 40% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi nilon khó phân hủy.

- Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: 95% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định, cụ thể:

+ 100% các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

- Chất thải rắn công nghiệp: 100% tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

- Chất thải rắn y tế: 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

[...]