Kế hoạch 4631/KH-UBND năm 2017 về Lộ trình thực hiện công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2017-2018

Số hiệu 4631/KH-UBND
Ngày ban hành 19/07/2017
Ngày có hiệu lực 19/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Văn Yên
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4631/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 07 năm 2017

 

KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2017 - 2018

Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/ĐH ngày 02/11/2015 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/12/2016 của Tnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2017; Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá khái quát chung tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2017; xây dựng Kế hoạch, Lộ trình triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2017 - 2018 như sau:

I. Khái quát chung tình hình triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2017:

Nhìn chung, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng, tham mưu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các công trình trọng điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.

Các Sở, ngành, địa phương đã phối hợp, đồng hành với các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, hướng dẫn cụ thể các quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để nhà đầu tư có thể sớm triển khai dự án.

1. Kết quả cụ thể; khó khăn, hạn chế

a) Kết quả cụ thể:

- Có 02 dự án, gồm: Khu Trung tâm văn hóa thể thao, Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng theo kế hoạch đề ra.

- Các dự án từ ngân sách nhà nước, như: Dự án Hồ Đạ Sị; Hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; Khu Trung tâm văn hóa thể thao (Sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi, Nhà thi đấu đa năng, hồ bơi); Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn Dầu Giây - Tân Phú) đã xác định được nguồn vốn đầu tư làm cơ sở đphê duyệt đề xuất đầu tư hoặc chủ trương đầu tư, có thể khi công vào cuối năm 2017 hoặc trong năm 2018.

- Các dự án: Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng, Khu Trung tâm Hòa Bình thành phố Đà Lạt; một số dự án đầu tư trong khu du lịch Hồ Tuyền Lâm: Các, Sở, ngành, địa phương đã phối hợp tốt với các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

- Một số dự án triển khai chậm, cụ thể:

+ Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc Đà Lạt, tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng),

+ Dự án Hồ Kazam, Hồ Đông Thanh chưa được phê duyệt đề xuất dự án hoặc chủ trương đầu tư do chưa xác định được nguồn vốn.

+ Các dự án đầu tư ngoài ngân sách, như: Khu du lịch Hồ Đại Ninh, một số dự án trong khu vực Hồ Tuyền Lâm tiến độ thi công chậm do năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế, thiếu vốn, chưa huy động được nhà đầu tư thứ cấp để triển khai. Dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú chưa tạo được lợi thế để thu hút các Nhà đầu tư Nhật Bản, dự án Khu công nghệ thông tin tập trung chưa tìm được nhà đầu tư.

b) Khó khăn, hạn chế: Tiến độ triển khai các dự án còn chậm do trình tự, thủ tục trình thẩm định mất nhiều thời gian, nhất là các chương trình, dự án phải xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương; việc huy động vốn đầu tư thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn; trình độ, năng lực của chủ đầu tư một số dự án còn hạn chế; một số dự án liên quan đến rừng, đất rừng nên việc chuyển đi mục đích mất nhiều thời gian; một số chủ đầu tư chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.

2. Nguyên nhân chủ yếu:

- Chính phủ đã cơ cấu lại nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 do kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện chủ trương siết chặt nợ công, vốn đầu tư bị cắt giảm; một số dự án đã được thông báo số kiểm tra kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, đã tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhưng không được bố trí vốn để thực hiện;

- Nhu cầu vốn của các công trình trọng điểm là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 có hạn, không tự cân đối đủ nguồn lực để triển khai thực hiện.

- Một số dự án đầu tư có tổng mức đầu tư, quy mô lớn thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phải xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương. Các Sở, ngành còn lúng túng trong việc phối hợp với các Bộ, ngành nên tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ, ngành. Từ đó, tiến độ triển khai các dự án còn chậm so với mục tiêu đã đề ra.

- Dự án Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng, Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm gặp khó khăn do chủ trương dừng chuyển đi mục đích sử dụng rừng tự nhiên của Đảng và Nhà nước.

- Năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế nhất là năng lực về tài chính, quản lý điều hành dự án.

II. Nhiệm vụ, giải pháp:

1. Các cấp, các ngành quan tâm, quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các dự án; xác định nhiệm vụ trọng tâm, thời gian hoàn thành cụ thể để triển khai thực hiện. Phấn đấu trong năm 2017 khởi công 01 đến 02 dự án (Hồ Đạ Sị; đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn Dầu Giây - Tân Phú) và năm 2018 khởi công các dự án còn lại.

2. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương vn ODA:

- Tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ và vốn ODA đthực hiện, trong đó:

+ Khởi công dự án Hồ chứa nước Đạ Sị và dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn Dầu Giây - Tân Phú).

+ Tạo thuận lợi cho tỉnh Lâm Đồng làm việc với các nhà tài trợ, xúc tiến đầu tư và tìm kiếm nguồn vốn ODA.

[...]