Kế hoạch 457/KH-UBND năm 2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc do tỉnh An Giang ban hành
Số hiệu | 457/KH-UBND |
Ngày ban hành | 26/07/2019 |
Ngày có hiệu lực | 26/07/2019 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh An Giang |
Người ký | Nguyễn Thanh Bình |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 457/KH-UBND |
An Giang, ngày 26 tháng 7 năm 2019 |
Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:
1. Mục đích
- Xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, trong đó tăng cường các biện pháp xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc góp phần xây dựng nền hành chính thực sự liêm khiết, minh bạch, phát huy dân chủ, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy. Đồng thời, phải chú trọng gắn với việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021 và Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện, tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
- Tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
1. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện nghiêm việc tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng đơn vị, cá nhân thuộc quyền có hành vi sai trái.
- Chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết.
- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.
- Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm; đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định của pháp luật (nếu có); công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở làm việc.
- Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, “tham nhũng vặt”; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
- Đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện hiệu quả khung Đề án "An Giang điện tử" giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 618/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 của UBND tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Khắc phục những tồn tại, hạn chế tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp. Triển khai hệ thống camera giám sát hoạt động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức triển khai phổ biến, quán triệt và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019, Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 618/UBND-ND ngày 09/7/2019 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ gắn với việc thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ”.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang tăng cường các biện pháp tuyên truyền sâu rộng về chính sách, pháp luật; hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thực hành liêm chính, không tiếp tay với tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết không đưa, không môi giới hối lộ; tuân thủ các quy tắc, văn hóa ứng xử văn minh; tích cực, chủ động tham gia phát hiện các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực cho các cơ quan chức năng; tôn vinh những điển hình tốt; việc thông tin cần đảm bảo đúng bản chất, sự thật, không suy diễn, chủ quan, đưa thông tin một chiều, sai lệch.
4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm
- Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trực thuộc để tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đối với doanh nghiệp.
- Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, khen thưởng và yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo, phản ảnh, báo cáo về hành vi tham nhũng; có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện, chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử; cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy chính quyền; không xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.