Kế hoạch 184/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc do tỉnh Yên Bái ban hành

Số hiệu 184/KH-UBND
Ngày ban hành 11/07/2019
Ngày có hiệu lực 11/07/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Tạ Văn Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 184/KH-UBND

Yên Bái, ngày 11 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG NGÀY 22/4/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ, NGĂN CHẶN CÓ HIỆU QUẢ TÌNH TRẠNG NHŨNG NHIỄU, GÂY PHIỀN HÀ CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP TRONG GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (Chỉ thị số 10/CT-TTg), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đấu tranh phòng, chống các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (hành vi “tham nhũng vặt”).

- Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kiểm soát chặt chẽ hoạt động công vụ nhằm loại bỏ điều kiện, cơ hội phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

2. Yêu cầu

Các cơ quan, địa phương, đơn vị và người đứng đầu cần xác định cụ thể các nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân để thực hiện phòng, chống “tham nhũng vặt” trong cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách, quản lý; bảo đảm cho việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thường trực Tỉnh ủy đi vào thực chất nhằm đưa công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực nói riêng đạt hiệu quả cao.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức đối với các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, về “tham nhũng vặt”.

2. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng và các hành vi “tham nhũng vặt”. Chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ và giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

3. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là các quy trình, trình tự giải quyết công việc trên các lĩnh vực nhằm ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước.

4. Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các hành vi “tham nhũng vặt” trên các lĩnh vực. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; kiểm soát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong việc thực thi công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng.

- Nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.

- Đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu phải sâu sát với công việc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng: Cấp trên kiểm soát cấp dưới; tập thể kiểm soát cá nhân; kiểm soát chéo trong nội bộ phòng, ban, đơn vị; tạo cơ chế minh bạch, công khai để nhân dân thực hiện quyền giám sát, kiểm soát hành vi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

- Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; trong xử lý các hành vi “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức, viên chức phải chú ý xử lý cả về đảng, hành chính, xử lý kỷ luật và biện pháp điều chuyển. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái; nhận trách nhiệm và chịu kỷ luật về đảng, hành chính theo quy định nếu cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực do quy trình giải quyết của cơ quan, đơn vị còn sơ hở, thiếu chặt chẽ.

- Tăng cường công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý, nhất là các quy trình, trình tự giải quyết công việc trên các lĩnh vực nhằm ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhận diện nguy cơ tham nhũng, “tham nhũng vặt” theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, TTHC theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.

- Tiến hành rà soát, niêm yết công khai các TTHC thuộc quyền quản lý đưa ra thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã. Cử cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức khi có thông tin, dư luận liên quan đến “tham nhũng vặt”.

- Thực hiện đúng quy định về tiếp công dân, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên Trang thông tin điện tử và trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết. Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật (nếu có).

- Công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi “tham nhũng vặt”; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.

2. Thanh tra tỉnh

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan cơ quan thanh tra. Chỉ đạo các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra tiến hành rà soát, đánh giá lại quy chế làm việc, quy trình quản lý để sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch, cụ thể. Kiểm soát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ. Kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ hoặc kiến nghị chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ ngay những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan thanh tra.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ