Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 90/2004/TT-BTC hướng chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 90/2004/TT-BTC
Ngày ban hành 07/09/2004
Ngày có hiệu lực 03/10/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Giao thông - Vận tải

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 90/2004/TT-BTC NGÀY 07 THÁNG 9 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, như sau:

Phần 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường bộ, gồm: đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ.

2. Đường bộ quy định thu phí là những đường bộ đã có quyết định thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn hiệu lực thi hành.

3. Trạm thu phí đường bộ, gồm: nhà Điều hành, nhà bán vé, cửa soát vé, thiết bị kiểm soát thu phí, hệ thống điện chiếu sáng và các công trình phụ trợ khác phục vụ việc thu phí.

4. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, gồm: xe ôtô (kể cả xe lam, xe bông sen, xe công nông), máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.

5. Xe máy chuyên dùng, gồm: máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp tham gia giao thông đường bộ.

II. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ

Loại đường bộ được quy định thu phí và tổ chức thu phí phải có đủ các Điều kiện sau đây:

1. Hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm chất lượng phục vụ giao thông tốt hơn trước khi thu phí.

2. Thuộc Quy hoạch mạng lưới thu phí đường bộ do cơ quan có thẩm quyền quyết định sau khi đã có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cụ thể:

- Đối với đường quốc lộ, phải thuộc quy hoạch mạng lưới thu phí quốc lộ và có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

- Đối với đường địa phương, phải thuộc quy hoạch mạng lưới thu phí đường địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quy hoạch mạng lưới thu phí đường địa phương và quyết định thành lập trạm thu phí của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc Quy hoạch mạng lưới thu phí đường bộ do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định trên đây thì trước khi xây dựng trạm thu phí, cơ quan chủ quản hoặc chủ đầu tư phải có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu rõ: Độ dài toàn tuyến đường, số trạm và vị trí đặt các trạm thu phí trên tuyến đường đó (số trạm dự kiến hoặc thực tế đã có); độ dài của đoạn đường dự kiến đặt trạm thu phí và lý do của việc đặt trạm tại vị trí đó. Bộ Tài chính nghiên cứu và có ý kiến bằng văn bản chậm nhất trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được văn bản.

3. Hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ việc thu phí, như: xây dựng trạm thu phí (địa Điểm bán vé, kiểm soát vé,...), hệ thống chiếu sáng, đầy đủ các loại vé thu phí, bộ máy tổ chức thu và kiểm soát vé,...

4. Bộ Tài chính đã ban hành quyết định quy định mức thu phí đối với quốc lộ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ra nghị quyết hoặc quyết định quy định mức thu đối với đường địa phương phù hợp với loại đường dự kiến thu phí.

III. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ (dưới đây gọi chung là phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

2. Tổ chức, cá nhân (Việt Nam và nước ngoài) có phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định thu phí thì phải trả phí sử dụng đường bộ (sau đây gọi chung là phí đường bộ) quy định tại Thông tư này.

3. Người (Việt Nam và nước ngoài) trực tiếp Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải trả phí đường bộ dưới hình thức vé (loại vé do Bộ Tài chính quy định) cho mỗi lần đi trên đường tại trạm thu phí đường bộ theo quy định (trừ những trường hợp quy định tại Điểm 4 Mục này).

4. Miễn phí đường bộ đối với những trường hợp sau đây:

a) Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu.

b) Xe cứu hoả.

[...]