Kế hoạch 45/KH-UBND thực hiện công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2022 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 45/KH-UBND
Ngày ban hành 24/01/2022
Ngày có hiệu lực 24/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2022

Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Căn cứ Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) và thực hiện bình đẳng giới (BĐG) năm 2022, như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác bình đẳng giới; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi nhằm thực hiện bình đẳng giới; giảm khoảng cách giới, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; giảm dần số vụ bạo lực trên cơ sở giới.

Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ cho đối tượng yếu thế theo hướng hội nhập quốc tế.

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án có liên quan.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu 1: Trong lĩnh vực chính trị

- Chỉ tiêu 1: Trong năm 2022, tăng 10% tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị của Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp.

- Chỉ tiêu 2: Đạt 40% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

2.2. Mục tiêu 2: Trong lĩnh vực kinh tế, lao động

- Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50%.

- Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30%.

- Chỉ tiêu 3: Phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 22%.

2.3. Mục tiêu 3: Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 2.0 lần vào năm 2022 so với nam giới.

- Chỉ tiêu 2: Đến năm 2022 đạt 70% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đạt 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.

- Chỉ tiêu 3: 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

- Chỉ tiêu 4: Duy trì 70% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

2.4. Mục tiêu 4: Trong lĩnh vực y tế

- Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 108,7 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm xuống dưới 30/100.000 trẻ sinh sống.

[...]