Kế hoạch 4488/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024

Số hiệu 4488/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2023
Ngày có hiệu lực 17/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hồng Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4488/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 17 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN NĂM 2024

Thực hiện Công văn số 6060/BNN-TY ngày 31/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024, với nội dung cụ thể như sau:

A. MỤC TIÊU

Tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi; hỗ trợ giám sát dịch bệnh và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản trong quá trình xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại Bình Thuận.

Hướng dẫn người nuôi thủy sản biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, kiểm tra, phát hiện kịp thời các ổ dịch bệnh động vật thủy sản (nếu có). Chủ động triển khai nhanh chóng công tác chống dịch bệnh động vật thủy sản nuôi khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

B. NỘI DUNG CHỦ YẾU

I. Phòng bệnh

1. Các cơ sở sản xuất giống, thu gom, ương, dưỡng, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản

1.1. Thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của Luật Thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

1.2. Thiết kế cơ sở đảm bảo các hoạt động vệ sinh, khử trùng, khoanh vùng và xử lý khi dịch bệnh xảy ra thuận lợi, hiệu quả.

1.3. Nguồn nước phải được xử lý mầm bệnh, kiểm soát các yếu tố môi trường, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh thú y trước khi đưa vào sản xuất; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định trước khi xả thải.

1.4. Sử dụng giống thủy sản:

a) Có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giống thủy sản.

b) Giống thủy sản từ cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra chất lượng theo quy định.

1.5. Trường hợp sử dụng thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

1.6. Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật thủy sản theo quy định.

1.7. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật về nuôi, phòng bệnh, quản lý môi trường theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong quá trình hoạt động của cơ sở; khuyến khích sử dụng vắc xin được phép lưu hành trong phòng bệnh động vật thủy sản.

1.8. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đối với một số bệnh động vật thủy sản nguy hiểm tại các Phụ lục II, III, IV, V ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

1.9. Đối với nuôi thủy sản lồng bè trên biển: Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 21/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý, chủ động phòng chống dịch bệnh và thiên tai tại các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên vùng biển của tỉnh.

2. Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản

2.1. Quan trắc môi trường thường xuyên: Triển khai hoạt động quan trắc tại các khu vực nuôi trọng điểm, tập trung các đối tượng chủ lực, các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

a) Tôm nước lợ (sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng, tôm sú):

- Điểm quan trắc: Khu vực nước cấp và ao đại diện.

- Thông số, tần suất quan trắc vùng nước cấp bao gồm: Oxy hòa tan, độ mặn, pH, N-NH4+, P-PO43-, H2S, NH3, Cyanua, độ kiềm, dầu mỡ tổng, TSS, Hg, Pb, As (14 chỉ tiêu). Tần suất quan trắc: 01 tháng/01 lần/10 mẫu (huyện Tuy Phong 02 mẫu; huyện Bắc Bình 01 mẫu; thành phố Phan Thiết 01 mẫu; huyện Hàm Thuận Nam 02 mẫu; thị xã La Gi 02 mẫu và huyện Hàm Tân 02 mẫu).

- Thông số, tần suất quan trắc trong ao đại diện bao gồm: Oxy hòa tan, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, P-PO43-, H2S, TSS (08 chỉ tiêu). Tần suất quan trắc 01 tháng/01 lần/10 mẫu (huyện Tuy Phong 03 mẫu; huyện Bắc Bình 01 mẫu; huyện Hàm Thuận Nam 02 mẫu; thị xã La Gi 02 mẫu và huyện Hàm Tân 02 mẫu).

- Thời gian quan trắc, giám sát: Theo lịch mùa vụ thả tôm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh Bình Thuận (từ tháng 02 đến tháng 12 năm 2024).

b) Cá nuôi lồng nước ngọt:

[...]