Kế hoạch 2349/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2024

Số hiệu 2349/KH-UBND
Ngày ban hành 16/11/2023
Ngày có hiệu lực 16/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2349/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 16 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH NĂM 2024

PHẦN I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2023

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI VÀ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

1. Tình hình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (Nguồn từ Cục Thống kê)

- Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh tính đến ngày 23/10/2023, như sau:

+ Đàn trâu: 31.583 con, đạt 94,84% so với KH, giảm 7,49% so với CK;

+ Đàn bò: 90.051 con, đạt 82,62% so với KH, giảm 14,76% so với CK;

+ Đàn lợn: 254.985 con, đạt 94,44% so với KH, tăng 1,9 % so với CK;

+ Đàn gia cầm: 5.091.000 con, đạt 101,82% so với KH, tăng 3,48% so CK.

- Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.571,1 ha, bằng 102% so với cùng kỳ, trong đó diện tích thả nuôi mặn lợ là 1.768 ha (tôm 1.471,8 ha; cua, cá 296,2 ha), bằng 101,9% so cùng kỳ; diện tích nuôi nước ngọt là 4.803,1 ha, bằng 102 % so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.499,8 tấn, bằng 102,6% so cùng kỳ.

2. Tình hình dịch bệnh

2.1. Dịch bệnh gia súc, gia cầm

Trong 10 tháng đầu năm 2023, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục xảy ra. So với cùng kỳ năm 2022, dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi giảm nhiều về số ổ dịch và số lượng gia súc mắc bệnh, tiêu hủy. Tuy nhiên, dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò tái phát sau hơn 1 năm được khống chế và dịch bệnh Tai xanh lợn phát sinh mới cụ thể:

- Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra ở 8 xã thuộc 2 huyện (Quảng Trạch, Tuyên Hóa) làm 63 con trâu bò mắc bệnh, trong đó có 12 chết, tiêu hủy với tổng trọng lượng 1.839 kg (năm 2022, bệnh VDNC không xảy ra).

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 13 xã thuộc 4 huyện làm 1.098 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với trọng lượng là 53.319 kg, giảm 11 xã có dịch và 623 con lợn buộc tiêu hủy so với cùng kỳ năm 2022.

- Bệnh Tai xanh lợn xảy ra ở 2 xã của huyện Minh Hóa làm 454 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng 15.700 kg, đây cũng là ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (năm 2022, bệnh Tai xanh lợn không xảy ra).

- Bệnh Dại động vật: Toàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch bệnh Dại trên động vật. Tuy nhiên, theo báo cáo từ cơ quan y tế, trong 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 03 trường hợp người tử vong do bệnh Dại chó (Đồng Hới, Tuyên Hóa và Minh Hóa). Nguyên nhân, do chó (cắn người) chưa được tiêm phòng, người sau khi bị chó cắn không tiêm vắc xin, không khai báo cho cơ quan y tế, cơ quan thú y.

Đến nay, cơ bản các ổ dịch đã được bao vây, khống chế kịp thời, không phát sinh thêm. Riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và Tai xanh lợn vẫn còn phát sinh nhỏ lẻ, hiện toàn tỉnh còn 02 ổ dịch DTLCP, Tai xanh lợn ở huyện Minh Hóa và 01 ổ dịch bệnh DTLCP ở huyện Tuyên Hóa chưa qua 21 ngày.

2.2. Dịch bệnh thủy sản

Trong 10 tháng đầu năm 2023, dịch bệnh trên tôm xảy ra tại 25 ao/25 hộ/01 xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh với tổng diện tích 7,09 ha trong đó bệnh đốm trắng 6,69 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp 0,4 ha. Diện tích tôm nuôi bị bệnh giảm 4,84 ha so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tôm, cá chết xảy ra rải rác ở một số vùng nuôi, tuy nhiên người dân không báo cáo mà tự xử lý.

3. Một số khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

- Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra ở một số địa phương là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp, số trâu bò chết do bệnh chủ yếu là trâu bò gầy yếu, mới sinh, chưa được tiêm phòng trong năm 2022.

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái phát tại các địa phương do mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, bệnh đã có vắc xin nhưng người dân chưa mạnh dạn đăng ký, sử dụng cho đàn lợn; chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; việc tăng đàn, tái đàn lợn nhưng chưa đảm bảo điều kiện, đặc biệt là tại các địa phương đã xảy ra dịch bệnh.

- Kết quả tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 1/2023 và dự ước trong đợt 2/2023 đạt tỷ lệ thấp, chưa đạt kế hoạch do các loại vắc xin hầu hết là thương mại nên người chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình không chú trọng tiêm phòng; các trang trại có quy mô không thực hiện báo cáo việc tiêm phòng cho chính quyền địa phương để được giám sát, một số địa phương không có cán bộ thú y nên thiếu nhân lực trong quá trình triển khai thực hiện.

- Ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản còn hạn chế, khi dịch bệnh xảy ra người dân tự xử lý hoặc xử lý với nồng độ không đúng quy định; không báo cáo với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong quá trình nắm bắt số liệu và quản lý công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các ổ dịch bệnh động vật tại các địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát giết mổ, mua bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, từ địa bàn này qua địa bàn khác làm lây lan dịch bệnh; việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh chưa đúng quy định, nguyên nhân do một số cơ quan cấp huyện thiếu cán bộ có chuyên ngành chăn nuôi và thú y; một số nơi chức năng thú y do cán bộ không có chuyên môn kiêm nhiệm.

[...]