Kế hoạch 42/KH-VKSTC năm 2022 kiểm tra công tác Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 42/KH-VKSTC
Ngày ban hành 30/03/2022
Ngày có hiệu lực 30/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Duy Giảng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/KH-VKSTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH; VỤ, VIỆC DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH, KINH DOANH THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT; CÔNG TÁC KIỂM SÁT VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022;

Căn cứ Kế hoạch kiểm tra số 02/KH-VKSTC ngày 30/12/2021 của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022;

Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thông qua công tác kiểm tra nhằm đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Viện kiểm sát địa phương trong việc quán triệt, triển khai, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 và các chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND tối cao, qua đó đánh giá những ưu điểm, kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót, tồn tại, xác định nguyên nhân đề ra biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

2. Yêu cầu

- Công tác kiểm tra phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác, trung thực kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được kiểm tra. Qua kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị được kiểm tra; tổng hợp nghiên cứu báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với một số vấn đề vướng mắc, bất cập (nếu có).

- Tập trung kiểm tra kết quả thực hiện những chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội giao và của Ngành quy định; kiểm tra những đơn vị còn nhiều hạn chế yếu kém; kết thúc kiểm tra, đơn vị chủ trì kiểm tra ban hành thông báo rút kinh nghiệm cho các đơn vị trong toàn Ngành biết, rút kinh nghiệm, học tập (nếu xét thấy cần thiết).

- Việc tổ chức, thực hiện kiểm tra phải đúng quy định của Quy chế về công tác kiểm tra trong ngành Kiểm sát nhân dân; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thực hiện việc kiểm tra; tránh chồng chéo, gây lãng phí, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm tra. Bảo đảm linh hoạt, thích ứng, an toàn, hiệu quả của công tác kiểm tra trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

II. NỘI DUNG, THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN KIỂM TRA

1. Nội dung kiểm tra

Kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022, các chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND tối cao (Sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018; thực hiện Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021...) các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ năm 2022 và yêu cầu của các đơn vị Vụ 9, Vụ 10 và Vụ 12 VKSND tối cao. Kết quả thực hiện 02 chuyên đề: (1)Công tác kiến nghị, kháng nghị trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; (2)Công tác kiến nghị, kháng nghị trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Tập trung kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ của đơn vị; vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc phát hiện vi phạm và kháng nghị phúc thẩm ngang cấp, nhất là đối với các vụ án hành chính; việc lập hồ sơ, xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nhất là các vụ án tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, tranh chấp về kinh doanh, thương mại; công tác phối hợp kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về oan, sai, khiếu kiện bức xúc, kéo dài; thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ kiểm sát (nội dung kiểm tra của từng khâu công tác có phụ lục nội dung kiểm tra yêu cầu báo cáo kèm theo).

2. Thời điểm, thời gian, đối tượng kiểm tra và thành phần đoàn kiểm tra

2.1. Thời điểm kiểm tra: Số liệu, kết quả công tác phục vụ kiểm tra theo các nội dung trên của Viện kiểm sát các cấp (VKSND cấp cao, cấp tỉnh và cấp huyện) từ 01/12/2021 đến hết 31/5/2022; Đoàn kiểm tra có thể xem xét, kiểm tra đối với các vụ, việc đã được giải quyết trước hoặc sau thời điểm kiểm tra có liên quan đến việc triển khai thực hiện kế hoạch và các hoạt động nghiệp vụ của các khâu công tác nêu trên.

2.2. Thời gian kiểm tra: Công tác kiểm tra dự kiến tiến hành vào tháng 8/2022 và hoàn thành trước tháng 10/2022; thời gian cụ thể, Trưởng đoàn kiểm tra sẽ thống nhất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, cấp tỉnh được kiểm tra.

2.3. Hình thức kiểm tra: Có thể áp dụng kết hợp nhiều hình thức kiểm tra, đảm bảo linh hoạt thích ứng, an toàn, hiệu quả trong tình hình dịch bệnh covid - 19.

2.4. Đối tượng kiểm tra: Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (danh sách các đơn vị được kiểm tra sẽ thông báo sau).

2.5. Thành phần đoàn kiểm tra: Lãnh đạo Vụ, Kiểm sát viên cao cấp, các thành viên khác của Vụ 9, Vụ 10 và Vụ 12 VKSND tối cao.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn công tác của Ngành, trên cơ sở báo cáo tự kiểm tra của các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và việc nắm tình hình, kết quả công tác của các đơn vị Viện kiểm sát cấp dưới, các đơn vị Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12 VKSND tối cao đề xuất Viện trưởng VKSND tối cao Quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại một số đơn vị và có thông báo cho các đơn vị được kiểm tra.

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được kiểm tra (sau khi nhận được thông báo) căn cứ Kế hoạch này và yêu cầu của các đoàn kiểm tra để xây dựng báo cáo phục vụ công tác kiểm tra (nội dung theo phụ lục kèm theo) và gửi trước cho đoàn kiểm tra khi được thông báo thời gian kiểm tra.

- Khi tiến hành kiểm tra tại các Viện kiểm sát địa phương, đoàn kiểm tra sẽ nghe báo cáo của lãnh đạo đơn vị được kiểm tra, trực tiếp kiểm tra hồ sơ, sổ sách, văn bản, tài liệu về từng lĩnh vực công tác được kiểm tra; trực tiếp kiểm tra từ 01 đến 02 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (tại đơn vị cấp tỉnh được kiểm tra; do Trưởng Đoàn kiểm tra quyết định sau khi thống nhất với Lãnh đạo đơn vị được kiểm tra).

Thủ trưởng các đơn vị: Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12 VKSND tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được kiểm tra tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kế hoạch này để việc kiểm tra đạt chất lượng, hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/cáo);
- Đ/c Nguyễn Duy Giảng, PVT VKSTC (để lưu);
- Đ/c Vụ trưởng Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12 (để t/h);
- Đ/c Viện trưởng VKS cấp cao 1,2,3 (để t/h);
- Đ/c Viện trưởng VKS các tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);
- Văn phòng VKSTC (để theo dõi);
- Lưu: VT, V9.

KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Duy Giảng

[...]