Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2018 về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 42/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2018
Ngày có hiệu lực 19/03/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Ngọc Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2018

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 14/11/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2012- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ngãi; trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 540/TTr-SYT ngày 09/3/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2018, với những nội dung sau:

I. Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh

Năm 2017, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), công tác quản lý chất lượng vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sự chuyển biến tích cực. Chính quyền địa phương các cấp tăng cường chỉ đạo, điều hành công tác quản lý ATTP. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, tuân thủ các quy định của nhà nước về đảm bảo vệ sinh ATTP; ý thức, thực hành của người tiêu dùng về vệ sinh ATTP cũng được cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, công tác quản lý vệ sinh ATTP trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, cụ thể như:

- Chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản như: rau, củ, quả, thịt an toàn. Quy hoạch vùng trồng rau, củ, quả an toàn tập trung còn ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cả về số lượng và chủng loại; chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y.

- Hoạt động lưu thông thực phẩm trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ; hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn bày bán trên thị trường, đặc biệt tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

- Sự phát triển ngày càng rầm rộ của các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, như: thức ăn đường phố, nấu đám tiệc lưu động... cả về quy mô và số lượng; vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP đối với các loại hình này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và nguồn nhân lực.

- Lực lượng làm công tác quản lý ATTP giảm dần; thiếu thốn kinh phí hoạt động, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng từ tuyến tỉnh, huyện, xã. Tại một số địa phương, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý ATTP chưa chặt chẽ.

- Công tác quản lý, thanh kiểm tra còn nhiều bất cập, như: chồng chéo, trùng lặp, nhưng lại bỏ sót một số lĩnh vực; chưa xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về ATTP, đặc biệt tại tuyến huyện, xã.

- Các hành vi gây mất ATTP của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng tinh vi, đa dạng gây khó khăn cho công tác phát hiện, quản lý; thói quen, tập tục ăn uống của người dân có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh lây truyền qua thực phẩm là rất cao.

II. Căn cứ để xây dựng kế hoạch

- Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP;

- Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 14/11/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ngãi;

- Kế hoạch số 6295/KH-UBND ngày 03/11/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc đảm bảo ATTP trên địa bàn giai đoạn 2016-2020.

- Công văn số 316/UBND-KGVX ngày 18/01/2018 về việc triển khai thực hiện kiến nghị của HĐND tỉnh tại điểm 4, Mục II Thông báo kết luận số 82/TB-HĐND ngày 19/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về vấn đề an toàn thực phẩm.

III. Mục tiêu

1. Nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng, phấn đấu đạt tỷ lệ các đối tượng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP:

- 85% đối tượng là người quản lý (bao gồm lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo UBND các cấp; lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm).

- 75% đối tượng là người sản xuất, chế biến, vận chuyn, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng.

- 75% đối tượng là người tiêu dùng.

2. Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý ATTP

Hoàn thiện, nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý ATTP từ cấp tỉnh đến xã; đầu tư, nâng cấp phòng kiểm nghiệm ATTP của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm theo hướng đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, đủ năng lực kiểm nghiệm thực phẩm.

3. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện ATTP/bản cam kết ATTP cho các cơ sở thực phẩm theo phân công nhiệm vụ quản lý tại Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể:

* Ngành Y tế

85% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/Bản cam kết đảm bảo ATTP.

* Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng, phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn; 100% cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được thống kê và tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại; 60% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ và cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm điều kiện về ATTP; 60% cảng cá, tàu cá từ 90 mã lực trở lên, cơ sở sản xuất nước đá phục vụ chế biến thủy sản, cơ sở thu mua nguyên liệu, cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm thủy sản đạt quy định về điều kiện đảm bảo ATTP.

[...]