Kế hoạch 41/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Trà Vinh ban hành

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 28/04/2023
Ngày có hiệu lực 28/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Trung Hoàng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 28 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG NGÀY 19/4/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

b) Hàng năm, giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

c) Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

d) Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu

a) Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện và bố trí ngân sách phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức.

b) Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tuyệt đối tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong tình hình mới; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

c) Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

2. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, Đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng bỏ lọt, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, Đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải,... Tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đến quần chúng Nhân dân. Từng huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên từng tuyến, từng địa bàn, tập trung vào các trung tâm đô thị, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch,... Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.

4. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên,... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

5. Tập trung tham gia rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

6. Thực hiện đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với phương án phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương,...; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang an toàn giao thông. Không đưa vào sử dụng các công trình giao thông khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ.

7. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông,...; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng,... Huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; năng lực cứu nạn, cứu hộ, cứu chữa nạn nhân.

8. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các tuyến đường trọng điểm và quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học, hợp lý; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố,...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thực hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông; việc chở hàng hóa quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường; công tác kiểm tra niên hạn sử dụng, thời hạn đăng kiểm phương tiện giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

b) Nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất; xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi tuyến đường, địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông kéo dài. Qua công tác tuần tra, kiểm soát và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Việc kiến nghị giải quyết phải rõ trách nhiệm của từng cơ quan; đồng thời theo dõi, đôn đốc và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.

c) Chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra phải xác định nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông; ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông phải xác định, làm rõ nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ trong từng vụ tai nạn giao thông nhằm phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý tai nạn giao thông chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật; xử lý các cơ sở, cá nhân có hành vi “độ”, “chế” các loại xe ô tô, mô tô. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp xem xét đưa ra xét xử công khai, lưu động đối với một số vụ án xâm phạm an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để tuyên truyền, cảnh báo, phòng ngừa chung. Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giao thông, vận tải như: Sản xuất, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả của phương tiện và người điều khiển phương tiện; vi phạm xây dựng, sửa chữa, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; sửa chữa các thông số kỹ thuật để kiểm định cho các phương tiện giao thông vận tải không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đưa phương tiện không bảo đảm an toàn vào hoạt động; các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

d) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông:

[...]