Kế hoạch hành động 41/KH-UBND 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2023
Ngày có hiệu lực 20/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Bám sát các nội dung của Chiến lược và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; rà soát các chương trình, đề án khác đã ban hành có liên quan, trong đó có Đề án phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo việc tổ chức chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.

II. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

1. Mục tiêu phát triển

1.1. Mục tiêu tổng quát

Thúc đẩy phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ổn định và bền vững; phát huy lợi thế của tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc để đẩy mạnh, thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm nâng cao đời sống người dân, ổn định an ninh, an toàn, trật tự xã hội khu vực miền núi biên giới. Nâng cao chất lượng, hàm lượng chế biến, chế tạo, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu đối với hàng hóa có tiềm năng xuất khẩu.

Thực thi hiệu quả các cam kết, khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường truyền thống.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 8 - 9%/năm, trong đó: nhóm sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt và lâm nghiệp) xuất khẩu chiếm khoảng 85% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm sản phẩm công nghiệp lắp ráp, chế biến chiếm 5 - 6%; khoáng sản xuất khẩu chiếm 3 - 4%; nhóm hàng xuất khẩu khác chiếm khoảng 5%.

Giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 8%/năm; trong đó: tập trung nâng cao chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt và lâm nghiệp) xuất khẩu, đây vẫn là nhóm sản phẩm chủ đạo với trên 80% tỷ trọng hàng xuất khẩu; tăng tỷ trọng của nhóm sản phẩm công nghiệp lắp ráp, chế biến đạt 8 - 10% tỷ trọng hàng xuất khẩu; khoáng sản xuất khẩu chiếm khoảng 4%; nhóm hàng khác chiếm khoảng 6%.

Kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tạo điều kiện thúc đẩy nhập khẩu các nguyên liệu, nhiên liệu, dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động sản xuất trên địa bàn. Mở rộng thị trường nhập khẩu, không phụ thuộc vào một số thị trường nhập khẩu truyền thống, đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nguyên, vật liệu đầu vào.

2. Định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa

2.1. Định hướng xuất khẩu hàng hóa

2.1.1. Định hướng thị trường xuất khẩu

Phát huy tối đa lợi thế để duy trì, đẩy mạnh hợp tác với thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, quan tâm mở rộng thị trường tiềm năng như EU, Ấn Độ, Trung Đông… trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản xuất khẩu, phát triển nền sản xuất hàng hóa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu và theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu một cách ổn định, lâu dài.

Thị trường xuất khẩu tại chỗ: trên cơ sở phát triển du lịch địa phương, thu hút khách du lịch nước ngoài, tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa cho nhu cầu của các đối tác và khách nước ngoài, trong đó chủ yếu là nhu cầu thực phẩm, đồ uống, hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ tại các khu du lịch, các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thị trường truyền thống Trung Quốc: tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng của tỉnh Lạng Sơn với nhu cầu tiêu thụ rất lớn đối với các mặt hàng như hoa Hồi, Thạch đen, ván bóc, gỗ ép, nhựa Thông, dầu thực vật... Trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cụ thể là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, và dần dần mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại với các địa phương khác của Trung Quốc.

Thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (đã có hợp tác về thương mại, xuất khẩu hàng hóa với tỉnh Lạng Sơn): tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định đa phương và song phương để đẩy mạnh hợp tác sản xuất, xuất khẩu, nhất là các mặt hàng colophan (chế biến từ nhựa thông), dăm gỗ, ván ép, chè, ớt…

Tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy xuất khẩu sang các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, với mặt hàng xuất khẩu là nông sản, thực phẩm, xe đạp/máy điện, máy bơm…

Thị trường Tây Á, Nam Á: tiếp tục xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, Pakistan một số mặt hàng như Ớt, bột Thạch, hoa Hồi, Quế.

Thị trường châu Âu như Anh, Pháp, Italia, Đức và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu: tiếp tục nghiên cứu, phát triển thị trường, xúc tiến hợp tác thương mại để xuất khẩu tinh dầu (Hồi, Quế) phục vụ sản xuất mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, dầu thực vật (Lạc, Sở), ngoài ra đây cũng là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường như gỗ viên, củi ép viên, thực phẩm hữu cơ.

Thị trường Trung Đông, Nam Phi là thị trường tiềm năng đối với sản phẩm gia vị, do vậy cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, lựa chọn các sản phẩm phù hợp có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu như hoa Hồi khô, Ớt, tinh dầu, dầu thực vật.

2.1.2. Định hướng hàng hóa xuất khẩu

Tiếp tục duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế của tỉnh (đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành, đã có thị trường xuất khẩu). Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, thân thiện với môi trường. Phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu dựa trên sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến với các nhóm hàng chủ lực như: thực phẩm chế biến (bánh kẹo, dầu thực vật, hạt sấy), sản phẩm lắp ráp (xe đạp/máy điện, máy bơm…) và các sản phẩm gắn với các khu công nghiệp của tỉnh, cụ thể như sau:

[...]