Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Kết luận 503-KL/TU về tăng cường lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 89/KH-UBND
Ngày ban hành 22/04/2022
Ngày có hiệu lực 22/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 22 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 503-KL/TU, NGÀY 28/3/2022 CỦA THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TẠI CÁC CỬA KHẨU

Thực hiện Kết luận số 503-KL/TU, ngày 28/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 503-KL/TU, ngày 28/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy.

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, loại bỏ dần các điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

2. Yêu cầu

- Phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện đẩy mạnh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

- Chính quyền các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác PCTN, tiêu cực tại các cửa khẩu.

- Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ hằng năm của các cơ quan, đơn vị; các trường hợp vi phạm phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện biên giới tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; tăng cường nắm tình hình để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu; thường xuyên rà soát các quy trình nghiệp vụ bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, đúng quy định; có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng tổ chức, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác PCTN, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thực hiện khai báo thông tin trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số; kịp thời rà soát, xử lý những bất cập, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Nền tảng cửa khẩu số; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, không để phát sinh thêm các thủ tục, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính trên Nền tảng số của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu.

3. Tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại

- Thực hiện hiệu quả, toàn diện đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện biên giới chủ động trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Quảng Tây, Trung Quốc để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là việc thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu; kiên trì trao đổi, thống nhất phương thức giao nhận hàng hóa đảm bảo ổn định, phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân hai bên.

- Thường xuyên trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng phía Quảng Tây, Trung Quốc để nâng cao năng lực thông quan, trước mắt sớm khôi phục hoạt động thông quan qua các cặp cửa khẩu phụ hiện nay đang tạm thời dừng hoạt động, trên cơ sở đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

4. Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên rà soát các quy định, quy trình nghiệp vụ đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, đúng quy định; chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công vụ. Chú trọng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

5. Tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, trước hết là kiểm tra nội bộ; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, có hành vi trục lợi gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu hàng hoá; chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; kiên quyết chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

- Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác cải cách hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

[...]