Kế hoạch 63/KH-UBND về đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Cà Mau năm 2023

Số hiệu 63/KH-UBND
Ngày ban hành 13/03/2023
Ngày có hiệu lực 13/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Cà Mau, ngày 13 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TỈNH CÀ MAU NĂM 2023

Căn cứ Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 24/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển xuất khẩu tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 23/5/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Cà Mau năm 2023, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa IX, Kỳ họp thứ 15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 05/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2023.

- Hoạt động thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp để duy trì sản xuất, xuất khẩu, giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống của công nhân viên và người lao động.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Cà Mau năm 2023, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển xuất khẩu hàng hóa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 theo Kế hoạch số 44/KH-UBND, Chỉ thị số 05/CT-UBND về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa tỉnh Cà Mau năm 2023 với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

1. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu

1.1. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển xuất khẩu

- Xây dựng các nội dung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của Cà Mau có thể mạnh như: tôm đông lạnh, mực, cá, phân bón, bánh phồng tôm, cua biển, gạo, chuối,... phù hợp với các quy định của thị trường, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

- Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế; hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

1.2. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

- Tiếp cận các công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất như đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất (trong sơ chế, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản) để nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm; cải tiến mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu của khách hàng trong nước và quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô...

- Nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế của các sản phẩm xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn như: ISO, HACCP, BRC, GlobalGAP, VietGAP,....

1.3. Phát triển nguồn nhân lực

Tổ chức tập huấn kiến thức về hội nhập quốc tế, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, kỹ năng xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu,... trang bị kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên về xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường quản lý và tạo điều kiện cho các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu của đối tác về lao động trong các FTA.

1.4. Chính sách tài chính, tín dụng

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu (bao gồm sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, chế biến, xuất khẩu...), được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện được các hợp đồng/đơn hàng xuất khẩu.

2. Phát triển các mặt hàng phục vụ xuất khẩu

- Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng từ mặt hàng tôm và duy trì mặt hàng phân bón; đồng thời, phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới như: may mặc, chuối sấy, mít sấy, cua biển, gạo, các chế phẩm từ đầu vỏ tôm, bột cá,...

- Nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã hàng hóa để phục vụ xuất khẩu như: khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoặc hỗ trợ các chương trình, dự án, đề án cho các doanh về các trang thiết bị, máy móc hiện đại, thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất chế biến để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm cũng như thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm; giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các hội chợ quốc tế hoặc thông qua Thương vụ/Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức các hoạt xúc thương mại của khu vực và thế giới...

- Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn hữu cơ và các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững... Tăng cường liên kết trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

3. Phát triển thị trường

- Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tìm kiếm, mở rộng thị trường mới tiềm năng; tiếp tục củng cố, nắm vững các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, phát huy tối đa các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP....

[...]