Kế hoạch 17/KH-UBND năm 2023 thực hiện "Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 17/KH-UBND
Ngày ban hành 10/02/2023
Ngày có hiệu lực 10/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Hùng Nam
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 10 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

Thực hiện Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình hành động);

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 147/TTr-SCT ngày 01/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định mục tiêu và định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

- Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới.

- Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư cho sản xuất mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.

- Củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chủ động và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng Kế hoạch phải bám sát các nội dung Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ các nội dung Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và điều kiện thực tiễn của Tỉnh để lựa chọn và cụ thể hóa các nội dung phù hợp, thiết thực thúc đẩy xuất khẩu của tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

- Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững; hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường, gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển xuất khẩu gắn với nhu cầu thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế những khó khăn, thách thức.

- Huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào hoạt động xuất khẩu. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa xuất khẩu của tỉnh như: Đầu tư vào lĩnh vực điện tử - tin học, nông nghiệp, chế biến nông sản... Kết hợp nguồn hàng trong tỉnh với việc khai thác, thu hút nguồn hàng ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU

Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tỉnh Hưng Yên, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,24%/năm, đến năm 2030 đạt 13 tỷ USD; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: hàng dệt may, giày dép các loại, linh kiện điện, điện tử, các mặt hàng nông sản thực phẩm của tỉnh... Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng GRDP, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển và mở rộng xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của các thị trường đặc biệt là thị trường khu vực.

Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng,... cho sản xuất, không để phụ thuộc vào một thị trường; chú trọng các nước thành viên các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để khai thác lợi thế về thuế nhập khẩu; khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu bằng sản phẩm đã sản xuất trong nước.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng phục vụ xuất khẩu

1.1. Đối với sản xuất công nghiệp

- Triển khai có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp, Đề án cơ cấu lại ngành thương mại tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo; Tập trung phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng cho xuất khẩu đồng thời với phát triển công nghiệp hỗ trợ để sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là một số lĩnh vực như nông sản, dệt may, da giầy, điện tử, cơ khí nhằm nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu, vật tư nhập khẩu,...

- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tăng cường liên kết, hợp tác, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Nghiên cứu đổi mới phương thức tổ chức sản xuất chế biến nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào các khâu của quá trình sản xuất từ thiết kế mẫu mã đến khâu sản xuất, kiểm tra kiểm soát chất lượng sản phẩm và ghi nhãn hàng hóa theo quy định; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong sản xuất; tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ hoạt động xuất khẩu có kỹ năng thông thạo về nghiệp vụ, có trình độ ngoại ngữ tốt nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

1.2. Đối với sản xuất nông nghiệp

- Triển khai quy hoạch sản xuất nông nghiệp và các quy hoạch phát triển ngành gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch và bền vững.

- Lựa chọn nông sản có lợi thế cạnh tranh, quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung: Cây trồng (nhãn, chuối, lúa, cây có múi, cây nghệ...), vật nuôi (lơn, gà,...), đặc sản làng nghề, rau củ, quả chế biến xuất khẩu và một số cây trồng, vật nuôi khác mà thị trường có nhu cầu, đồng thời thích nghi với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của Hưng Yên, tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.

[...]