Kế hoạch 401/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ ở người trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 401/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2022
Ngày có hiệu lực 29/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 401/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 29 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút Đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể lây truyền từ người sang người. Kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay, toàn cầu đã ghi nhận gân 70.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 106 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là đợt bùng phát dịch trên toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay và Tổ chức Y tế thế giới đã phải tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu từ ngày 23/7/2022. Tại Việt Nam, tính đến ngày 20/11/2022 cả nước ghi nhận 02 trường hợp mắc bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh Đậu mùa khỉ, kể cả ca bệnh tại cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn, khu vực biên giới.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 và Bộ Y tế tại Công văn số 5470/BYT-DP ngày 03 tháng 10 năm 2022 về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Quyết định 2565/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; để sẵn sàng ứng phó và chủ động phòng, chống dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trên địa Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Ngăn chặn không để dịch bệnh Đậu mùa khỉ ở người xâm nhập vào địa bàn tỉnh; Phát hiện sớm các ca mắc đầu tiên, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để dịch lây lan trong cộng đồng; Hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

II. TÌNH HUỐNG DỊCH BỆNH

- Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Tỉnh.

- Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Tỉnh.

- Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

III. NỘI DUNG

1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Tỉnh

1.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Tỉnh), triển khai họp Ban Chỉ đạo Tỉnh định kỳ hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) về phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

- Ngành Y tế sẵn sàng trong công tác dự phòng, đường dây nóng 24/24 giờ tiếp nhận thông tin, điều trị các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc Đậu mùa khỉ; sẵn sàng các khu vực cách ly y tế bệnh nhân mắc, nghi mắc Đậu mùa khỉ, phương án tiếp nhận, điều trị tại bệnh viện nơi phát hiện ca bệnh hoặc chuyển tập trung tại bệnh viện chuyên điều trị ca mắc Đậu mùa khỉ hay tại các Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Phương án cách ly theo dõi khi phát hiện trường hợp nghi ngờ tại Cửa khẩu.

- Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Sở Y tế.

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương.

1.2. Công tác truyền thông

- Kịp thời cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về tình hình dịch bệnh của Việt Nam, trên thế giới và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh, các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

- Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng.

- Truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh tới các Đoàn du lịch, người lao động tới các vùng có dịch; cung cấp các tài liệu truyền thông tại các cửa khẩu, hướng dẫn người dân tự theo dõi tình trạng sức khỏe và chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi cần thiết.

- Theo dõi và quản lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý, cung cấp thông tin kịp thời, phù hợp.

1.3. Công tác giám sát, dự phòng

- Giám sát chặt chẽ hành khách người dân qua lại khu vực biên giới, cửa khẩu, thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ, xác định mắc bệnh Đậu mùa khỉ đặc biệt lưu ý các trường hợp đến, ở, về từ vùng có ổ dịch Đậu mùa khỉ.

- Nâng cao năng lực, đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, đặc biệt tại các cơ sở khám phụ khoa, da liễu và các cơ sở khám, chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), phòng khám, tư vấn cho nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

- Kiện toàn Đội đáp ứng nhanh (RRT) các tuyến.

- Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ. Theo dõi tình trạng sức khoẻ của tất cả những trường hợp nghi ngờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm.

[...]