Phương án 8706/PA-UBND năm 2022 về hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 8706/PA-UBND
Ngày ban hành 12/10/2022
Ngày có hiệu lực 12/10/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký H'Yim Kđoh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8706/PA-UBND

Đắk Lắk, ngày 12 tháng 10 năm 2022

 

PHƯƠNG ÁN

HÀNH ĐỘNG TẠM THỜI PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ TẠI TỈNH ĐẮK LẮK

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN:

1. Thông tin chung:

Đậu mùa khỉ (Monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi-rút Đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Thời gian ủ bệnh thường từ 06 đến 13 ngày, nhưng có thể dao động từ 05 đến 21 ngày. Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Biểu hiện triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh Đậu mùa khỉ theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung, tỉ lệ này cao hơn ở trẻ nhỏ.

Hiện nay bệnh Đậu mùa khỉ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, bệnh Đậu mùa khỉ giống với bệnh Đậu mùa, do đó có thể sử dụng thuốc kháng vi-rút bệnh Đậu mùa để điều trị bệnh Đậu mùa khỉ. Kết quả một số nghiên cứu trước đây tại Châu Phi cho thấy, vắc-xin phòng bệnh Đậu mùa có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh Đậu mùa khỉ.

Ngày 23/7/2022, WHO công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh Đậu mùa khỉ.

2. Tình hình dịch trên thế giới:

Đến tháng 10/2022, WHO thông báo đã ghi nhận hơn 68.000 ca mắc Đậu mùa khỉ tại 106 nước và vùng lãnh thổ (gồm cả các quốc gia đang lưu hành dịch), trong đó có 28 trường hợp tử vong.

Trước đó, từ năm 1970, bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành tại khu vực Châu Phi (11 quốc gia) và hầu như không ghi nhận các ca bệnh tại khu vực khác. Đến tháng 5/2022, WHO thông báo ghi nhận ca mắc tại một số khu vực Châu Âu (chùm ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Anh). Đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch Đậu mùa khỉ tại các nước ngoài khu vực Châu Phi. Từ đó, đã ghi nhận sự gia tăng liên tục cả về số ca nhiễm và số quốc gia, vùng, lãnh thổ ghi nhận ca bệnh, một số nước trong khu vực Châu Á có ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam….

Trong đợt dịch bệnh này, chủ yếu các ca bệnh được báo cáo là nam giới, đồng giới nam, lưỡng giới (99% xảy ra tại Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada) và những người có quan hệ đồng giới nam sống ở khu vực thành thị. Họ là những người tham gia trong nhóm mạng xã hội, tình dục ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Ngoài ra, cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng ca bệnh tại các quốc gia khu vực Tây, Trung Phi.

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra các khuyến nghị tạm thời cho 4 nhóm quốc gia thành viên dựa trên tình hình dịch tễ học, phương thức lây truyền và năng lực đáp ứng của từng quốc gia.

Nhóm 1: Các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh Đậu mùa khỉ hoặc không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày.

Nhóm 2: Các quốc gia ghi nhận ca bệnh Đậu mùa khỉ là người nhập cảnh và bắt đầu có sự lây truyền từ người sang người.

Nhóm 3: Các quốc gia có sự lây truyền bệnh Đậu mùa ở khỉ giữa động vật và người.

Nhóm 4: Các quốc gia có năng lực về vắc xin và điều trị.

3. Tại Việt Nam: Ngày 03/10/2022 ghi nhận ca bệnh nghi mắc Đậu mùa khỉ đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh qua quá trình giám sát dịch tễ.

4. Nhận định nguy cơ:

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, dịch bệnh đã xâm nhập vào Việt Nam và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống do:

- Vi-rút gây bệnh Đậu mùa khỉ đã lan rộng trên 106 quốc gia trên thế giới đặc biệt một số nước trong khu vực Châu Á có ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập như Singapore Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, bệnh lây truyền từ động vật sang người và lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần.

- Nguồn lây bệnh chưa được xác định rõ ràng, chưa xác định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh.

- Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

- Dịch bệnh có khả năng lây lan cao nên nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và bùng phát tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả và kịp thời. Đắk Lắk là tỉnh có sự giao lưu rộng rãi với các tỉnh, thành trên toàn quốc nên sẽ có ảnh hưởng với dịch bệnh trên toàn quốc. Mặt khác, Đắk Lắk là tỉnh biên giới giáp Campuchia nên nguy cơ dịch xâm nhập vào tỉnh ta thông qua người từ vùng dịch đến Campuchia.

Thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Đậu mùa khỉ ở người, Công văn số 5470/BYT-DP ngày 03/10/2022 của Bộ Y tế về tăng cường phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ; trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại tỉnh như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng…; để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là "sớm một bước, cao hơn một mức", không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. UBND tỉnh ban hành Phương án tạm thời phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, như sau:

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

- Phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất.

[...]