Kế hoạch 280/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 280/KH-UBND
Ngày ban hành 28/10/2022
Ngày có hiệu lực 28/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 280/KH-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút Đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể lây truyền từ người sang người. Kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay, toàn cầu đã ghi nhận gân 70.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 106 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là đợt bùng phát dịch trên toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay và Tổ chức Y tế thế giới đã phải tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu từ ngày 23/7/2022. Tại Việt Nam, tính đến ngày 06/10/2022 cả nước mới ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh (là ca bệnh xâm nhập, được Bộ Y tế công bố ngày 03/10/2022, bệnh nhân mắc bệnh khi đang du lịch tại Dubai, UAE). Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh Đậu mùa khỉ, kể cả ca bệnh tại cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 và chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 5470/BYT-DP ngày 03/10/2022 về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Quyết định 2565/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ. Để sẵn sàng ứng phó và chủ động phòng, chống dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, cách ly, xử lý kịp thời triệt để, thực hiện tốt các biện pháp chủ động phòng dịch, không để dịch lây lan trong cộng đồng; đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong do bệnh Đậu mùa khỉ.

II. PHÂN LOẠI CẤP ĐỘ DỊCH BỆNH

- Cấp độ 1: Khi chưa có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn Thành phố.

- Cấp độ 2: Khi có trường hợp bệnh xâm nhập nhưng chưa lây nhiễm thứ phát trên địa bàn Thành phố.

- Cấp độ 3: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng nhưng chưa lây lan rộng.

- Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Cấp độ 1: Khi chưa có trường hợp bệnh xâm nhập

a) Công tác chỉ đạo, điều hành

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người các cấp; đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch các cấp; rà soát bổ sung đầy đủ, kịp thời cơ sở vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch tại các cấp; chủ động xây dựng sẵn sàng các Kế hoạch/Phương án phòng, chống dịch theo từng tình huống dịch, đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn tình hình dịch và đặc điểm của địa phương.

- Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam để có thái độ ứng phó phù hợp.

- Thường xuyên cập nhật các tài liệu chuyên môn, các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác giám sát và phòng chống bệnh; thiết lập sẵn sàng các khu vực cách ly, thu dung điều trị người bệnh mắc/nghi mắc Đậu mùa khỉ theo đúng hướng, dẫn của Bộ Y tế.

- Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức, tập trung vào các nội dung liên quan đến các đặc điểm của bệnh, các biểu hiện của bệnh, cách nhận biết và các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh; tuyên truyền khuyến cáo người dân tự theo dõi sức khỏe khi đi về từ các quốc gia đang có dịch bệnh Đậu mùa khỉ và khai báo ngay với các cơ quan y tế khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương.

b) Công tác giám sát, dự phòng và điều trị

- Thực hiện giám sát thân nhiệt bằng máy đo thân nhiệt tự động kết hợp quan sát bằng mắt thường đối với 100% người nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp người nhập cảnh có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh để tổ chức cách ly, điều tra theo quy định. Các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh (sốt, ho, nổi ban dạng phỏng nước/mụn mủ, sưng hạch cổ) cần tổ chức phân luồng cách ly và tiến hành điều tra dịch tễ ngay theo quy định của Bộ Y tế.

- Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập, đặc biệt tại một số khoa/phòng như: Truyền nhiễm, Khám bệnh, Da liễu, Sức khỏe tình dục, Sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS.

- Tăng cường các hoạt động giám sát dựa vào sự kiện (EBS), chủ động tìm kiếm, rà soát, xác minh các thông tin liên quan dịch bệnh trên mạng xã hội, mạng thông tin đại chúng.

- Kiện toàn lại các đội đáp ứng/đội cơ động chống dịch tại các tuyến; rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở phòng chống dịch theo quy định để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.

- Ngành Y tế tổ chức tập huấn cập nhật về hướng dẫn giám sát và phòng, chống; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Đậu mùa khỉ cho các đơn vị trong ngành (bao gồm cả công lập và tư nhân) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện công tác lấy mẫu và xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được phát hiện trên địa bàn Thành phố.

c) Công tác truyền thông

- Kịp thời cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về tình hình dịch bệnh trên thế giới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trên địa bàn Thành phố và các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

[...]