Kế hoạch 5334/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 5334/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2023
Ngày có hiệu lực 22/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5334/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 22 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Công văn số 1330/DP-DT ngày 03/11/2023 của Cục Y tế dự phòng về việc phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trong tình hình mới;

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất ca tử vong.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại tỉnh

Kiểm soát hiệu quả các trường hợp đi từ nơi khác về địa phương, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào địa phương.

b) Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh

Khoanh vùng, xử lý kịp thời không để dịch lây lan ra cộng đồng.

c) Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng

Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan trong cộng đồng.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh Ninh Thuận

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo các cấp.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo và của các sở, ngành, địa phương.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

- Chỉ đạo công tác tập huấn cập nhật kiến thức về bệnh Đậu mùa khỉ, các biện pháp phòng chống cho các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.

b) Công tác giám sát, dự phòng:

- Tổ chức giám sát, tăng cường giám sát dựa vào sự kiện trong cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, giám sát phát hiện trường hợp bệnh nghi mắc tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu và các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người đồng giới và người có suy giảm miễn dịch.

- Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa.

- Theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

- Chuẩn bị trang thiết bị xét nghiệm và phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế.

- Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch và phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu.

[...]