Kế hoạch 395/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 395/KH-UBND
Ngày ban hành 25/01/2024
Ngày có hiệu lực 25/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Phan Trọng Tấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 395/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 25 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TU NGÀY 21/12/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY, TỔ CHỨC ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 21/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 21-CT/TU), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai kịp thời Chỉ thị số 21-CT/TU, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.

- Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực.

- Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Quán triệt, triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện

Tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 21- CT/TU và Kế hoạch này đến tất cả các sở, ban, ngành đoàn thể ở tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; UBND xã, phường, thị trấn bằng hình thức phù hợp.

+ Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; UBND xã, phường, thị trấn.

+ Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong tháng 3/2024.

2. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở

- Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Tăng cường truyền thông, chú trọng gắn kết chặt chẽ bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

- Phát huy vai trò của đội ngũ tham mưu thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị và đoàn thể ở cơ sở; lồng ghép với hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Phát huy vai trò hỗ trợ các thiết chế văn hóa - xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.

- Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở với xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xác định việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn là điều kiện để đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

+ Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; UBND các huyện, thành, thị.

+ Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn

- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được phổ biến kịp thời đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trong đó chú trọng quan tâm đến các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù, vùng đồng bào dân tộc, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp.

- Thực hiện lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật với các hội thi, tọa đàm trao đổi, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng dân cư, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội để thu hút người dân tham gia. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương, các chuyên trang, chuyên mục, cuộc thi tìm hiểu pháp luật.

- Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11); nâng cao chất lượng các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.

+ Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; UBND xã, phường, thị trấn.

+ Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

4. Nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tiếp tục đổi mới công tác giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn pháp luật và giáo dục công dân. Việc đưa nội dung pháp luật vào giảng dạy phải có chọn lọc, hệ thống, hiệu quả, thiết thực từng bước xây dựng ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật đối với thế hệ trẻ, thanh, thiếu niên ngay từ khi là học sinh, sinh viên.

[...]