Kế hoạch 3921/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 3921/KH-UBND
Ngày ban hành 22/10/2024
Ngày có hiệu lực 22/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phan Văn Đăng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3921/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2023-2030

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Công văn số 197/CV-UB ngày 03/4/2023 của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Công văn số 217/HĐ-TD ngày 09/4/2024 của Hội đồng thẩm định của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc thông báo kết quả thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 4704/STNMT-CCBVMT ngày 30/8/2024.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2030 như sau:

A. MỤC ĐÍCH

Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2030 nhằm triển khai quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 và Công văn số 1190/UBND-KT ngày 11/4/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030.

B. NỘI DUNG THỰC HIỆN

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải[1]

1.1. Đặc điểm địa lý

Bình Thuận là tỉnh cực Nam vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (tọa độ địa lý 10o33’42’’ đến 11o33’18’’ vĩ độ Bắc và từ 107o23’41’’ đến 108o52’42” kinh độ Đông); phía Bắc giáp các tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận; phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai; phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, Bình Thuận có vị trí cầu nối, gắn kết giữa các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ - Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Có khoảng cách không quá xa với thành phố Hồ Chí Minh (cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 200 km); cách thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trung tâm du lịch lớn của cả nước khoảng 250 km.

Bình Thuận với tổng diện tích tự nhiên 7.943,93 km2 và diện tích vùng biển do tỉnh Bình Thuận quản lý có diện tích 52.000 km2, diện tích vùng biển đưa vào quy hoạch là 20.288 km2 trên phạm vi 10 đơn vị hành chính: 01 thành phố (Phan Thiết); 01 thị xã (La Gi) và 08 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý).

Tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 183 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 753 km và cách thủ đô Hà Nội 1.520 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1.

1.2. Đặc điểm địa hình

Bình Thuận trải dài dọc bờ biển Đông theo hướng Đông Bắc - Tây Nam phần lãnh thổ rộng nhất 95 km và hẹp nhất là 32 km. Phía Bắc giáp các sườn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn, phía Nam là các dải đồi cát chạy dài dọc theo bờ biển; Phần lớn lãnh thổ là đồi núi thấp và trung bình, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang kéo theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, phân hóa thành 4 dạng địa hình:

- Vùng núi trung bình và cao (cao trình > 500m): Chủ yếu tập trung ở phía Bắc và Tây Bắc, chiếm 31,5% diện tích tự nhiên, có độ dốc cao, địa hình phức tạp, ít có khả năng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu dành cho công tác bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn.

- Vùng đồi núi thấp (200 đến 500m): Chủ yếu đất dùng vào lâm nghiệp, chiếm khoảng 40,7% diện tích tự nhiên.

- Vùng đồi cát ven biển (100 đến 200 m): Gồm các đồi cát đỏ, cát trắng, vàng, phân bố dọc suốt bờ biển của tỉnh từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi. Địa hình dạng gò đồi lượn sóng chiếm khoảng 18,22% diện tích tự nhiên.

- Vùng đồng bằng phù sa (dưới 100 m): Chiếm khoảng 9,43% diện tích tự nhiên, được tạo thành từ trầm tích phù sa sông, suối như đồng bằng Tuy Phong (sông Lòng Sông); đồng bằng Phan Rí, Sông Mao (sông Lũy); đồng bằng Phan Thiết (sông Quao, sông Cà Ty); đồng bằng Đức Linh, Tánh Linh (sông La Ngà).

Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, nhiều dãy núi đâm ngang ra biển, chia cắt lãnh thổ thành những khu vực nhỏ hẹp. Phía Nam tỉnh là dãy núi Ông nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, các đỉnh cao từ 700 - 1.000 m vừa là đường phân thủy vừa là bức tường ngăn gió mùa Tây Nam thổi tới trong mùa hạ. Phía Đông Bắc tỉnh có núi Bà Rá (760 m), núi Gió (697 m) kéo dài từ Vĩnh Hảo ra gần biển. Ngoài ra, phía Đông Bắc tỉnh còn bị che chắn bởi dãy Cà Ná. Mũi Dinh (Padanan) cao từ 800 đến 1.500 m thuộc địa phận Ninh Thuận ngăn cản gió mùa Đông Bắc trong mùa đông.

Đặc điểm địa hình nói trên tạo điều kiện phát triển nền kinh tế đa dạng, với độ cao vừa phải và ít chịu tác động của nước biển dâng, thuận lợi cho bố trí các hoạt động và các công trình kinh tế - xã hội phi nông nghiệp; tuy nhiên cũng gây khó khăn nhiều cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và sinh hoạt của dân cư.

[...]