Kế hoạch 128/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2024-2030

Số hiệu 128/KH-UBND
Ngày ban hành 04/06/2024
Ngày có hiệu lực 04/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN, GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch Ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2024 - 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai kịp thời Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 nhằm hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải gây ra.

- Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng các cấp trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.

- Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.

- Tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế về cảnh báo sớm, phòng ngừa, phối hợp xử lý và khắc phục hậu quả các sự cố chất thải xuyên biên giới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; trong các hoạt động chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, sơ chế công nghiệp, xử lý nước thải...

- Chủ động nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phù hợp với từng địa bàn; tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải

1.1. Đặc điểm địa hình

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam với diện tích tự nhiên là 831.018 ha. Ranh giới tọa độ địa lý từ 20°27’ đến 22°19’ vĩ Bắc và từ 106°06’ đến 107°21’ kinh Đông, cách thủ đô Hà Nội 154 km. Lạng Sơn có một vị thế chiến lược quan trọng của vùng Đông Bắc Tổ quốc Việt Nam, có vị trí địa lý, giao lưu văn hóa, giáo dục và kinh tế, là khu kết nối các vùng kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 10 huyện và 01 thành phố thuộc tỉnh), có 200 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, dân số trung bình sơ bộ năm 2023 toàn tỉnh là 807.315 người. Tỉnh Lạng Sơn có vị trí địa lý tiếp giáp như sau:

- Phía Bắc giáp với tỉnh Cao Bằng.

- Phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

- Phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang.

- Phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh.

- Phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn.

- Phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên.

Địa hình tỉnh Lạng Sơn phổ biến là núi thấp và đồi, không có núi cao. Độ cao trung bình 252 m so với mực nước biển, nơi cao nhất là đỉnh Phia Mè thuộc khối núi Mẫu Sơn có độ cao 1.541 m.

1.2. Thời tiết, khí hậu

Khí hậu Lạng Sơn chia thành 2 mùa rõ rệt; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa tập trung từ tháng 6 đến tháng 9, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 - 1.600 mm (nơi có lượng mưa cao nhất là vùng núi Mẫu Sơn 2.589 mm). Nhiệt độ trung bình 25°C - 34°C và độ ẩm không khí trung bình là 80-90%, mùa khô giá rét thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình mùa khô là 20 - 40mm; Nhiệt độ trung bình mùa khô là 12 - 24°C và độ ẩm trung bình là 70% - 80%.

1.3. Thủy văn

Lạng Sơn có mật độ lưới sông trung bình từ 0,6 ÷ 1,2 km/km², có ba lưu vực sông lớn, gồm sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Lục Nam (hệ thống sông Thái Bình), cụ thể:

- Hệ thống sông Kỳ Cùng: là sông lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn, chảy trên Việt Nam dài khoảng 243 km, bắt nguồn từ vùng núi xã Bắc Xa cao 1.166 m thuộc huyện Đình Lập. Sông Kỳ Cùng có 78 phụ lưu, trong đó có 26 phụ lưu cấp I, 34 phụ lưu cấp II và 16 phụ lưu cấp III, 01 phụ lưu cấp IV.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ